Cùng với xu hướng gia tăng tỷ lệ sinh mổ trên toàn thế giới, các vấn đề hậu phẫu như khuyết sẹo mổ lấy thai đang dần trở thành mối lo ngại lớn trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể để lại hậu quả lâu dài như: rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai hoặc vô sinh thứ phát nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Tham khảo ngay bài viết dưới đây của Maru Care để biết thêm thông tin chi tiết!
1. Khuyết sẹo mổ lấy thai là gì?
- Khuyết sẹo mổ lấy thai là hiện tượng bất thường xảy ra tại vị trí mổ lấy thai cũ, trong đó lớp cơ tử cung không lành hoàn toàn, tạo thành một khoảng lõm hoặc mỏng hơn so với mô lành xung quanh.
- Tùy theo mức độ và hình thái tổn thương, khuyết sẹo mổ được phân loại thành ba nhóm chính:
+ Khuyết sẹo đơn giản: Lõm nông, không có nhánh hoặc đường rò.
+ Khuyết sẹo có nhánh: Lõm sâu và có một nhánh kéo dài, có thể tiếp cận khoang tử cung.
+ Khuyết sẹo phức tạp: Vết lõm lớn, cấu trúc bất thường, nhiều nhánh và nguy cơ cao ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo.
2. Khuyết sẹo mổ lấy thai có phổ biến không?
- Trước đây, khuyết sẹo sau mổ lấy thai được xem là biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng đáng kể tỷ lệ sinh mổ trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, tần suất phát hiện tình trạng này cũng ngày càng cao.
- Các nghiên cứu gần đây ghi nhận rằng, khoảng 24–70% phụ nữ từng sinh mổ chỉ một lần có thể xuất hiện khuyết sẹo tại vị trí mổ cũ. Tỷ lệ này tiếp tục gia tăng ở những người đã trải qua nhiều lần mổ lấy thai, đặc biệt nếu không được theo dõi và đánh giá sẹo mổ định kỳ bằng siêu âm hoặc thăm khám chuyên khoa.
3. Những dấu hiệu khuyết sẹo sau mổ lấy thai cần thăm khám sớm
3.1. Rong kinh, ra máu bất thường sau kỳ kinh
- Một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của khuyết sẹo mổ lấy thai là tình trạng ra máu kéo dài sau chu kỳ kinh nguyệt. Biểu hiện có thể là máu đỏ tươi, máu nâu đen hoặc dịch nhầy lẫn máu nhỏ giọt, thường kéo dài hơn 7 ngày hoặc xuất hiện sau sạch kinh 4–5 ngày (tương ứng ngày thứ 9–11 của chu kỳ).
- Hiện tượng này được cho là do máu kinh ứ đọng tại vùng sẹo lõm, sự giãn mao mạch hoặc niêm mạc tử cung bị rối loạn bong tróc. Ngoài ra, ra máu sau quan hệ tình dục hoặc vận động mạnh cũng là dấu hiệu thường gặp.
3.2. Vô sinh thứ phát
Khuyết sẹo mổ lấy thai là một yếu tố nguy cơ trong các trường hợp vô sinh thứ phát. Tức phụ nữ từng mang thai trước đó nhưng không thể mang thai lại. Vấn đề này liên quan đến nhiều cơ chế, bao gồm:
- Máu ứ đọng tại vùng sẹo tạo môi trường viêm mạn tính.
- Tăng bạch cầu lympho gây rối loạn miễn dịch tại niêm mạc tử cung.
- Biến đổi chất nhầy cổ tử cung, cản trở sự di chuyển của tinh trùng.
- Rối loạn co bóp đoạn dưới tử cung, ảnh hưởng đến khả năng phôi làm tổ.
3.3. Ứ dịch buồng tử cung
- Tình trạng ứ dịch trong buồng tử cung liên quan đến khuyết sẹo thường không biểu hiện rõ ràng về mặt triệu chứng, nhưng lại được phát hiện khi siêu âm vào giữa chu kỳ kinh hoặc thời điểm gần ngày hành kinh.
- Đặc biệt ở phụ nữ đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), sự hiện diện của dịch trong buồng tử cung có thể làm trì hoãn hoặc hủy chuyển phôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thụ thai. Do đó, kiểm soát ứ dịch là yêu cầu bắt buộc trong hỗ trợ sinh sản, đặc biệt khi niêm mạc tử cung đã đạt độ dày lý tưởng.
3.4. Đau vùng hạ vị
Khoảng 40% phụ nữ có khuyết sẹo mổ lấy thai ghi nhận tình trạng đau âm ỉ vùng bụng dưới, có thể kèm theo đau khi quan hệ tình dục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống. Nguyên nhân có thể do:
- Mô sẹo co kéo gây kích thích cơ tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung xuất hiện tại vị trí sẹo.
- Viêm nhiễm mạn tính khu trú quanh sẹo mổ.
4. Đối tượng có nguy cơ cao
Mặc dù khuyết sẹo mổ lấy thai có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào từng sinh mổ, nhưng nguy cơ mắc phải tình trạng này không đồng đều ở tất cả. Một số nhóm đối tượng được ghi nhận có nguy cơ cao hơn, các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Từng sinh mổ trước đó: Phụ nữ đã trải qua một hoặc nhiều lần sinh mổ sẽ có nguy cơ cao hình thành khuyết sẹo ở vết mổ cũ, nhất là khi khoảng cách giữa các lần mang thai quá gần.
- Thừa cân hoặc béo phì: Sự gia tăng trọng lượng cơ thể trước và trong thai kỳ làm tăng áp lực lên thành tử cung, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình liền sẹo sau phẫu thuật.
- Mắc bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng lành thương: Những bệnh lý như: đái tháo đường, rối loạn đông máu hoặc các bệnh tự miễn có thể cản trở quá trình tái tạo mô, làm sẹo khó lành hoặc dễ bị tổn thương.
- Hút thuốc lá: Nicotine và các chất độc trong thuốc lá gây co mạch, giảm lượng máu đến vết mổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hồi phục sau sinh mổ.
- Chăm sóc hậu phẫu không đúng cách: Việc không tuân thủ chỉ định y tế sau sinh mổ, vận động sớm hoặc nhiễm trùng hậu phẫu cũng có thể góp phần làm suy yếu vị trí mổ và hình thành khuyết sẹo.
5. Khuyết sẹo mổ lấy thai có nguy hiểm không?
- Sự hình thành khuyết sẹo thường do vết mổ cũ trên tử cung không lành hoàn toàn hoặc bị thoái hóa theo thời gian. Khi mang thai lại, áp lực từ sự phát triển của thai nhi tác động lên vị trí sẹo yếu có thể gây rách tử cung, dẫn đến xuất huyết nội nghiêm trọng. Trong những trường hợp nặng, thai phụ có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như:
+ Mất máu cấp.
+ Băng huyết sau sinh.
+ Phải cắt bỏ tử cung, gây vô sinh vĩnh viễn.
+ Nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
- Một trong những biến chứng đặc biệt nguy hiểm là thai làm tổ tại vị trí sẹo mổ cũ – một dạng thai ngoài tử cung hiếm gặp. Phôi thai có thể bám sâu vào lớp cơ tử cung, gây chảy máu không kiểm soát và đe dọa tính mạng người mẹ.
- Mặc dù tỷ lệ thai làm tổ tại sẹo mổ chỉ chiếm khoảng 0,15% trong các ca mang thai sau sinh mổ, song mức độ nghiêm trọng của nó được đánh giá cao hơn cả nhau tiền đạo hoặc nhau cài răng lược do tiến triển âm thầm và khó phát hiện sớm.
6. Biến chứng nguy hiểm của khuyết sẹo mổ lấy thai
6.1. Khó khăn trong can thiệp buồng tử cung
Sẹo mổ bất thường làm biến đổi hình dạng tử cung, gây khó khăn khi bác sĩ tiến hành các thủ thuật như: nạo hút tử cung, đặt vòng tránh thai hay nội soi buồng tử cung. Không chỉ làm tăng rủi ro biến chứng mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
6.2. Thai làm tổ trên vết mổ cũ
Khi phôi thai bám vào vùng khuyết sẹo, nguy cơ xảy ra thai bám sẹo mổ là rất cao. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm do phôi có thể xâm lấn sâu vào thành tử cung, làm tăng khả năng vỡ tử cung, xuất huyết nặng, buộc phải cắt tử cung khẩn cấp.
6.3. Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo xảy ra khi bánh nhau bám thấp, sát hoặc che phủ cổ tử cung (vị trí gần sẹo mổ cũ). Tình trạng này làm tăng nguy cơ chảy máu âm đạo trong thai kỳ, đặc biệt ở tam cá nguyệt 2 và 3, có thể gây sinh non hoặc bắt buộc phải sinh mổ sớm.
6.4. Nhau cài răng lược
Khuyết sẹo mổ lấy thai là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến nhau cài răng lược, khi nhau thai bám sâu vào lớp cơ tử cung và không bong ra được sau sinh. Trường hợp nặng, nhau có thể xâm lấn sang bàng quang hoặc ruột, đòi hỏi phẫu thuật phức tạp và có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp thời.
6.5. Vô sinh thứ phát
- Khuyết sẹo ảnh hưởng đến sự bình thường của niêm mạc tử cung và làm giảm khả năng phôi làm tổ. Máu kinh có thể ứ đọng, gây phản ứng viêm mạn tính trong lòng tử cung, khiến phụ nữ khó thụ thai tự nhiên sau khi từng sinh mổ.
- Ngoài ra, các can thiệp phẫu thuật nhiều lần còn có thể gây dính buồng tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh hiện nay.
6.6. Vỡ tử cung
Đây là biến chứng sản khoa nặng nề nhất liên quan đến khuyết sẹo. Khi sẹo quá mỏng, không chịu được áp lực co bóp tử cung hoặc trọng lượng thai, có thể dẫn đến vỡ tử cung. Biểu hiện lâm sàng gồm:
- Đau bụng dữ dội.
- Xuất huyết âm đạo.
- Suy thai cấp.
- Sốc mất máu.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, thai phụ có thể tử vong, thai nhi không giữ được, thậm chí phải cắt tử cung hoàn toàn.
7. Làm thế nào để chẩn đoán khuyết sẹo mổ lấy thai?
Việc chẩn đoán khuyết sẹo tử cung đòi hỏi kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và các kỹ thuật hình ảnh học hiện đại. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng và được chỉ định tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh.
7.1. Siêu âm đầu dò âm đạo
Siêu âm tử cung qua đường âm đạo là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất trong chẩn đoán khuyết sẹo sau sinh mổ. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ quan sát rõ hình ảnh vùng khuyết, đánh giá được:
- Kích thước vết sẹo theo các chiều (trên – dưới, trước – sau, trái – phải).
- Độ dày lớp cơ tử cung còn lại.
- Vị trí và mức độ lồi lõm của vùng sẹo.
Thời điểm siêu âm tốt nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt, khi tử cung chứa dịch, giúp hình ảnh rõ nét hơn và việc đo lường chính xác hơn.
7.2. Siêu âm bơm nước buồng tử cung (SIS)
Phương pháp chuẩn đoán khuyết sẹo mổ lấy thai này được thực hiện bằng cách bơm dung dịch sinh lý vào buồng tử cung qua catheter, sau đó tiến hành siêu âm. Kỹ thuật này giúp:
- Xác định rõ ranh giới và độ sâu vùng khuyết.
- Đo khoảng cách từ vùng khuyết đến lỗ cổ tử cung trong và ngoài.
- Đánh giá độ mỏng của lớp cơ tử cung tại vị trí sẹo mổ.
- Siêu âm bơm nước đặc biệt hữu ích trong các trường hợp nghi ngờ có ứ dịch hoặc khó xác định qua siêu âm thông thường.
7.3. Nội soi buồng tử cung
Nội soi buồng tử cung (hysteroscopy) giúp bác sĩ trực tiếp quan sát khoang tử cung, từ đó phát hiện vùng khuyết, máu ứ, dịch tụ hoặc các bất thường khác như:
- Polyp nội mạc tử cung.
- Quá sản nội mạc.
- Nhân xơ dưới niêm mạc.
Tuy nhiên, phương pháp chuẩn đoán khuyết sẹo mổ lấy thai này không đánh giá được độ dày lớp cơ còn lại cũng như không đo chính xác kích thước vùng khuyết. Vì vậy, nội soi thường được kết hợp với siêu âm để có cái nhìn toàn diện.
7.4. Chụp tử cung – vòi trứng (HSG)
- Kỹ thuật này sử dụng chất cản quang để kiểm tra hình thái tử cung và tình trạng thông suốt của vòi trứng. Qua đó, có thể gián tiếp phát hiện các bất thường tại vùng khuyết như: túi phình hoặc bám bất thường của thuốc cản quang tại vị trí sẹo.
- Tuy không phải là phương pháp đầu tay, nhưng chụp HSG có thể hỗ trợ chẩn đoán ở bệnh nhân vô sinh thứ phát có nghi ngờ liên quan đến vết sẹo cũ.
7.5. Cộng hưởng từ (MRI)
MRI vùng chậu là kỹ thuật có độ chính xác cao, cho hình ảnh rõ nét về cấu trúc tử cung và các lớp mô xung quanh. MRI được sử dụng trong:
- Trường hợp nghi ngờ biến chứng phức tạp như: thai làm tổ ở vết sẹo, nhau cài răng lược.
- Khi siêu âm không cho kết quả rõ ràng.
- Hoặc trước can thiệp phẫu thuật để đánh giá chính xác tổn thương.
- Tuy nhiên, vì chi phí cao, MRI không phải là lựa chọn đầu tiên trong quy trình chẩn đoán thông thường.
8. Phương pháp điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai hiện nay
8.1. Phẫu thuật nội soi buồng tử cung
Đây là phương pháp ít xâm lấn, sử dụng ống soi chuyên dụng để tiếp cận buồng tử cung và can thiệp vào vùng khuyết. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt lọc phần mô xơ sẹo và tái tạo lại hình dạng lòng tử cung.
- Ưu điểm: Thời gian phục hồi nhanh, ít đau sau mổ.
- Hiệu quả: Cải thiện tình trạng rong kinh, rong huyết ở khoảng 65–82% trường hợp.
Phẫu thuật nội soi buồng tử cung là lựa chọn ưu tiên với những trường hợp khuyết sẹo nhẹ, chưa gây biến chứng nghiêm trọng.
8.2. Phẫu thuật mở sửa vùng khuyết
Với những ca tổn thương sâu hoặc vùng sẹo bị xơ hóa nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định mổ mở để loại bỏ hoàn toàn vùng nội mạc bị tổn thương và tái cấu trúc thành tử cung.
- Ưu điểm: Cho phép xử lý toàn diện tổn thương.
- Nhược điểm: Thời gian hồi phục lâu hơn, nguy cơ mất máu nhiều hơn so với mổ nội soi.
Phương pháp điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai này thường được áp dụng khi các kỹ thuật ít xâm lấn không mang lại hiệu quả.
8.3. Phẫu thuật nội soi ổ bụng
- Đây là kỹ thuật can thiệp qua đường ổ bụng, giúp bác sĩ quan sát và xử lý trực tiếp tổn thương từ bên ngoài tử cung. Các mép vùng khuyết sẽ được cắt lọc, sau đó khâu phục hồi lớp cơ tử cung một cách chính xác.
- Phù hợp với các trường hợp khuyết sẹo sâu hoặc lan rộng.
- Thường được chỉ định ở những bệnh nhân có kế hoạch mang thai trở lại.
8.4. Phẫu thuật sửa khuyết sẹo theo đường âm đạo
Nếu vùng khuyết nằm ở vị trí thấp, gần đoạn eo tử cung, bác sĩ có thể tiếp cận và xử lý tổn thương qua đường âm đạo. Đây là kỹ thuật được chỉ định có chọn lọc, phù hợp với một số ca nhất định.
- Ưu điểm: Không tạo thêm vết mổ trên thành bụng.
- Hạn chế: Không áp dụng được cho các khuyết sẹo nằm cao hoặc khó tiếp cận.
9. Phòng ngừa nguy cơ khuyết sẹo mổ lấy thai như thế nào?
9.1. Ưu tiên sinh thường khi có thể
- Sinh thường qua đường âm đạo là biện pháp hiệu quả nhất để tránh hình thành sẹo trên tử cung, từ đó giảm nguy cơ xuất hiện khuyết sẹo.
- Trong những trường hợp mẹ bầu có sức khỏe ổn định, ngôi thai thuận và không có chỉ định y khoa bắt buộc phải mổ, sinh thường nên được ưu tiên.
- Trước khi quyết định sinh mổ, mẹ bầu cần trao đổi kỹ với bác sĩ sản khoa để cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, đồng thời xây dựng kế hoạch sinh nở phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân.
9.2. Sinh mổ đúng chỉ định và đúng kỹ thuật
- Khi sinh mổ là cần thiết, việc thực hiện thủ thuật tại cơ sở y tế có uy tín, bởi bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn cao là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo đường mổ an toàn và lành tốt sau sinh.
- Việc khâu vết mổ đúng kỹ thuật, đặc biệt là khâu phục hồi lớp cơ tử cung, đóng vai trò quyết định trong việc phòng ngừa nguy cơ khuyết sẹo mổ lấy thai trong tương lai.
9.3. Chăm sóc và theo dõi sau sinh đúng cách
- Sau khi sinh mổ, việc chăm sóc hậu phẫu đúng cách giúp tăng cường quá trình lành sẹo tử cung. Một số biện pháp cần lưu ý:
- Duy trì cân nặng ổn định trước và sau sinh để giảm áp lực lên thành tử cung.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất thông qua chế độ ăn cân đối, ưu tiên thực phẩm giàu protein, sắt, vitamin C và kẽm. Đây là những yếu tố quan trọng cho quá trình tái tạo mô và liền sẹo.
- Hạn chế ăn mặn và uống đủ nước để hỗ trợ tuần hoàn và giảm nguy cơ phù nề.
- Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích, vì các chất này có thể làm chậm quá trình liền sẹo và gây rối loạn nội tiết.
9.4. Theo dõi thai kỳ và hậu sản định kỳ
Khám thai đúng lịch giúp bác sĩ sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh mổ hoặc biến chứng sau mổ. Ngoài ra, sau sinh, chị em nên:
- Tuân thủ lịch tái khám hậu sản để kiểm tra vết mổ và tình trạng hồi phục tử cung.
- Lưu ý các dấu hiệu bất thường như đau hạ vị kéo dài, rong kinh, tiết dịch âm đạo bất thường… để được thăm khám kịp thời.
- Tái khám tiền thai trước khi mang thai lại để đánh giá tình trạng sẹo mổ, nhất là ở phụ nữ có ý định sinh lần hai sau sinh mổ.
Khuyết sẹo mổ lấy thai là tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ có tiền sử sinh mổ và nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như an toàn thai kỳ. Để hạn chế nguy cơ hình thành khuyết sẹo, phụ nữ cần cân nhắc kỹ lưỡng trong lựa chọn hình thức sinh nở, ưu tiên sinh thường khi đủ điều kiện, đồng thời chăm sóc vết mổ đúng cách sau sinh.