Giai đoạn chuẩn bị trước khi mang thai là một cột mốc quan trọng, mang đến niềm háo hức nhưng cũng đi kèm với nhiều lo lắng. Từ việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, sử dụng thuốc đến trách nhiệm làm cha mẹ, tất cả đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy, trang bị đầy đủ kiến thức sẽ giúp mẹ tự tin, chủ động và sẵn sàng bước vào hành trình mang thai một cách an toàn, khỏe mạnh. Tham khảo ngay bài viết dưới đây của Maru Care nếu bạn cũng đang thắc mắc về vấn đề này nhé!
1. Vì sao cần chuẩn bị trước khi có bầu?
- Theo các chuyên gia, thể trạng, tâm lý và sức khỏe của người mẹ trước khi mang thai có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ giúp mẹ bầu có một thai kỳ an toàn mà còn góp phần giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Trong suốt thai kỳ, có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến sự phát triển của em bé. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể được kiểm soát từ sớm để tăng cơ hội có một thai kỳ khỏe mạnh, chẳng hạn như:
+ Duy trì đời sống tình dục lành mạnh, tránh mang thai khi mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
+ Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại và các chất kích thích.
+ Khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra phụ khoa và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cần thiết trước khi mang thai
2. Kế hoạch trước khi mang thai
2.1. Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai
Kiểm tra sức khỏe của vợ chồng ít nhất 1 tháng trước khi mang thai là một trong những việc vô cùng quan trọng trong quá trình chuẩn bị trước khi mang thai. Bởi nó sẽ giúp mẹ phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời. Các vấn đề cần quan tâm gồm:
- Bệnh mãn tính: Tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu, tiểu đường, viêm gan, lao, động kinh…
- Bệnh lây truyền qua máu và đường tình dục: Viêm gan B, HIV, Chlamydia, giang mai, lậu…
- Sức khỏe sinh sản: Phát hiện sớm bệnh phụ khoa, bất thường ở cơ quan sinh sản để có hướng điều trị.
- Xét nghiệm di truyền: Kiểm tra các bệnh lý di truyền để hạn chế nguy cơ dị tật thai nhi.
2.2. Dinh dưỡng trước khi mang thai
Trong 6 tháng chuẩn bị trước khi mang thai, mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe:
- Cân bằng dinh dưỡng: Đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm, béo, đường, vitamin & khoáng chất).
- Duy trì cân nặng hợp lý: Đạt chỉ số BMI từ 18,5 – 23 hoặc cân nặng trên 40kg.
- Tẩy giun: Thực hiện cho mẹ và gia đình trước khi mang thai 2 tháng để phòng lây nhiễm chéo.
- Hạn chế rượu, bia, thuốc lá, caffeine:
+ Rượu, bia: Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và có thể gây sinh non, dị tật thai nhi.
+ Thuốc lá: Làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
+ Caffeine: Hạn chế dưới 200mg/ngày (tương đương 2 ly cà phê nhỏ) để giảm nguy cơ sảy thai.
2.3. Chế độ sinh hoạt hợp lý
- Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng để chuẩn bị trước khi mang thai.
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, đặc biệt là thuốc kháng sinh mạnh.
- Ngừng thuốc lá, rượu bia trong 6 tháng trước khi mang thai để đảm bảo chất lượng trứng và tinh trùng.
- Ngừng dùng thuốc tránh thai ít nhất 3 tháng trước khi mang thai, có thể sử dụng bao cao su thay thế.
2.4. Tiêm phòng trước khi mang thai
Các loại vacxin cần tiêm trước khi mang thai để bảo vệ mẹ và bé:
- Uốn ván: Tiêm nhắc lại nếu chưa tiêm đủ mũi.
- Cúm, rubella: Tiêm phòng 3 tháng trước khi mang thai để giảm nguy cơ dị tật thai nhi.
- Viêm gan B: Nếu xét nghiệm âm tính, nên tiêm đủ 3 mũi trước khi mang thai (mũi 2 cách mũi 1 một tháng, mũi 3 cách mũi 1 sáu tháng).
2.5. Phương pháp thụ thai an toàn
Lựa chọn phương pháp thụ thai phù hợp giúp tăng cơ hội mang thai và đảm bảo an toàn:
- Thụ thai tự nhiên: Xác định ngày rụng trứng dựa vào chu kỳ kinh nguyệt, nhiệt độ cơ thể và dịch nhầy cổ tử cung.
- Thụ tinh nhân tạo: Cần tư vấn bác sĩ nếu gặp khó khăn trong việc mang thai tự nhiên.
- Một thai kỳ kéo dài trung bình 38 – 40 tuần, vì vậy việc chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, tài chính và tâm lý sẽ giúp ba mẹ an tâm chào đón bé yêu.
3. Kinh nghiệm uống thuốc bổ trước khi mang thai
Theo khuyến nghị của các bác sĩ, phụ nữ nên bổ sung một số chất thiết yếu sau đây:
3.1. Acid folic (Vitamin B9 hay Folate)
- Acid folic đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh ở thai nhi, bao gồm dị tật nứt đốt sống, thiếu não và các vấn đề liên quan đến xương sọ, não bộ, cột sống. Việc bổ sung acid folic đầy đủ trước khi mang thai có thể giảm tới 70% nguy cơ dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, acid folic còn giúp phòng ngừa các biến chứng như sảy thai, nhau bong non, tim bẩm sinh, sứt môi – chẻ vòm hầu, khuyết tật chi, rối loạn đông máu,…
- Do đó, phụ nữ có kế hoạch chuẩn bị trước khi mang thai nên bổ sung acid folic tối thiểu 3 tháng trước khi thụ thai, với liều lượng khuyến nghị khoảng 400mcg/ngày.
Có thể bổ sung acid folic từ thực phẩm như bột ngũ cốc, măng tây, đậu lăng, lạc, cải bó xôi, nước cam tươi, xà lách, bông cải xanh, mì ống, bánh mì, chuối, dưa hấu, thịt gia cầm, chế phẩm từ sữa, hải sản,… - Ngoài ra, có thể sử dụng các chế phẩm chứa acid folic như Adofex, Obimin, Ferrovit, Tardyferon B9,… Việc uống các chế phẩm bổ sung acid folic khi bụng đói sẽ giúp hấp thu tốt hơn.
3.2. Canxi
- Canxi là khoáng chất thiết yếu giúp hình thành và phát triển hệ xương, răng cho thai nhi. Trong suốt thai kỳ và cả giai đoạn sau sinh (đặc biệt trong 6 tháng đầu khi trẻ bú mẹ hoàn toàn), nhu cầu canxi tăng cao.
- Nếu không bổ sung đầy đủ, mẹ bầu có thể gặp tình trạng đau mỏi xương khớp, chuột rút, thậm chí co giật do hạ canxi máu. Hơn nữa, nếu thiếu hụt canxi, thai nhi sẽ hấp thụ canxi từ cơ thể mẹ, làm tăng nguy cơ loãng xương ở mẹ sau này.
- Trẻ sinh ra có thể bị còi xương, kém phát triển hoặc gặp các vấn đề về cấu trúc xương.
- Vì vậy, phụ nữ cần duy trì chế độ ăn giàu canxi trước và trong thời kỳ mang thai bằng cách tăng cường tiêu thụ hải sản, sữa, bơ, trứng, pho mát,… Đồng thời, có thể sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo đủ lượng canxi cần thiết.
> Xem thêm: Bổ sung canxi cho bà bầu từ tháng thứ mấy? Tại sao cần bổ sung canxi khi đang mang thai?
3.3. Sắt
- Sắt là vi chất quan trọng giúp cơ thể sản xuất tế bào hồng cầu. Trong thai kỳ, thể tích máu của mẹ tăng lên để nuôi dưỡng thai nhi, vì vậy cần bổ sung sắt để tạo hemoglobin vận chuyển oxy. Thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ thai lưu, suy dinh dưỡng bào thai, tai biến xuất huyết sau sinh,…
- Phụ nữ có thể bổ sung sắt từ các thực phẩm như rau ngót, rau muống, cá biển, thịt nạc,… Ngoài ra, nên sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu trong thai kỳ.
> Xem thêm: Thiếu máu khi mang thai: Nguyên nhân và cách bổ sung sắt
4. Vitamin tổng hợp cho phụ nữ chuẩn bị mang thai
Vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị trước khi mang thai để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất ngay từ giai đoạn trước khi mang thai:
- Vitamin A: Có trong cà chua, cà rốt, bí đỏ, gan cá biển, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ thai nhi, đồng thời hỗ trợ sự phát triển thị giác cho bé.
- Vitamin C: Dồi dào trong rau xanh, trái cây tươi, giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ hấp thu sắt, ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai.
- Vitamin E: Tìm thấy trong mầm ngũ cốc, dầu mè, hạt hướng dương, đậu nành, có tác dụng chống lão hóa, bảo vệ tim mạch, tăng cường sức khỏe cơ xương.
5. Lưu ý khi dùng thuốc bổ sung trước khi mang thai
- Bổ sung đúng liều lượng: Phụ nữ trước và trong thai kỳ cần 400mcg acid folic, 27mg sắt, 1000mg canxi/ngày. Nếu cần dùng liều cao hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Không tự ý sử dụng thuốc: Đặc biệt với mẹ có bệnh lý về gan, thận, cần sự tư vấn từ bác sĩ trước khi bổ sung vitamin hoặc khoáng chất.
- Tránh quá liều vitamin A: Dùng quá mức có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, do đó chỉ bổ sung theo khuyến cáo.
- Hấp thụ vitamin D tự nhiên: Tắm nắng sáng sớm giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, hỗ trợ hấp thu canxi tốt hơn.
- Dinh dưỡng cân bằng: Tăng cường protein từ thịt, cá, trứng, sữa và Omega-3 từ cá thu, cá ngừ, dầu thực vật giúp thai nhi phát triển trí não tốt hơn.
- Tránh chất độc hại: Không hút thuốc, uống rượu bia, hạn chế tiếp xúc với hóa chất, duy trì tập luyện nhẹ nhàng để cơ thể khỏe mạnh.
- Mẹ có bệnh lý nền cần lưu ý: Nếu mắc bệnh tiểu đường, béo phì, huyết áp cao, hen suyễn, trầm cảm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, vì một số loại có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
> Xem thêm: Cẩm Nang & Chia Sẻ
Chuẩn bị trước khi mang thai là bước quan trọng giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Hãy bổ sung đầy đủ dưỡng chất, duy trì lối sống lành mạnh và tham khảo ý kiến bác sĩ để sẵn sàng chào đón bé yêu trong điều kiện tốt nhất ba mẹ nhé!