Sau sinh mổ khi nào hết sản dịch? Làm sao biết hết sản dịch?

Sau sinh, sản dịch là hiện tượng sinh lý bình thường ở mọi phụ nữ, bao gồm cả sinh thường lẫn sinh mổ. Tuy nhiên, lượng sản dịch ra nhiều không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà đôi khi còn là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. Vậy sau sinh mổ bao lâu thì hết sản dịch? Như thế nào là sản dịch bất thường cần đi khám? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây của Maru Care để có cái nhìn đầy đủ và chính xác nhất.

1. Sản dịch là gì?

  • Sau khi em bé chào đời và nhau thai được lấy ra, tử cung của người mẹ bắt đầu co lại để ngăn chặn tình trạng mất máu, quá trình này gọi là co hồi tử cung.
  • Trong những ngày đầu, tử cung co hồi tốt sẽ giúp cầm máu sinh lý hiệu quả. Ban đầu, đáy tử cung có thể sờ thấy dưới rốn, mỗi ngày sẽ co nhỏ lại khoảng 1 – 1,5cm. Đến khoảng ngày thứ 13 sau sinh, tử cung thường đã co về vị trí trong tiểu khung và không còn sờ thấy qua bụng nữa.
  • Trong quá trình co hồi đó, tử cung sẽ đẩy ra ngoài một lượng dịch, đó chính là sản dịch. Đây là dịch tiết từ lòng tử cung sau sinh, bao gồm: mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung, các cục máu đông nhỏ tại vị trí nhau thai bám, dịch sót lại từ nước ối và dịch tiết từ các vết thương ở cổ tử cung, âm đạo.
  • Quá trình ra sản dịch còn được gọi là giai đoạn hậu sản. Ở mỗi phụ nữ, sản dịch có thể biểu hiện khác nhau, người ra ít, người ra nhiều, có người chỉ kéo dài vài ngày, trong khi người khác có thể kéo dài hơn, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe từng người

2. Sau sinh bao lâu hết sản dịch?

  • Thông thường, sản dịch sẽ kéo dài từ 2 đến 6 tuần sau sinh. Trong 3 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ sẫm do còn lẫn nhiều máu. Những ngày tiếp theo, sản dịch nhạt dần và chuyển sang màu hồng. Từ khoảng ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, dịch có thể ngả sang màu trắng đục hoặc vàng nhạt do chứa thêm các tế bào niêm mạc tử cung bong tróc.
  • Với sản phụ sinh mổ, quá trình phục hồi có thể chậm hơn một chút so với sinh thường. Thông thường, sản dịch sẽ được đào thải hết trong khoảng 20 ngày. Sau đó, trong tuần kế tiếp, một số mẹ có thể thấy xuất hiện kinh non, đây là hiện tượng ra kinh sớm sau sinh.
  • Tuy nhiên, nếu sau hơn một tháng mà sản dịch vẫn chưa hết hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: mùi hôi khó chịu, sốt, căng tức bụng dưới, đau nhiều, mẹ có thể đang gặp tình trạng bế sản dịch. Trường hợp này cần được can thiệp y tế kịp thời vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tử cung, rối loạn đông máu, thậm chí có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung nếu không được xử lý sớm.

3. Bế sản dịch là gì?

  • Bế sản dịch là tình trạng sản dịch sau sinh không được đào thải ra ngoài mà bị ứ đọng trong buồng tử cung. Hiện tượng này có thể xảy ra sau cả sinh thường lẫn sinh mổ và nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
  • Sản dịch vốn là hỗn hợp gồm máu, dịch còn sót lại từ nước ối, mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung và dịch tiết từ cổ tử cung, âm đạo. Khi tử cung co hồi kém hoặc đường ra của sản dịch bị tắc nghẽn, sản dịch không thoát ra được, dẫn đến hiện tượng bế tắc. Tình trạng này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, gây viêm nhiễm nặng, nhiễm trùng huyết, rối loạn đông máu, chảy máu kéo dài không cầm được… Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ.

4. Những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian hết sản dịch

Việc sản dịch kéo dài bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến phương pháp sinh, thể trạng và cách chăm sóc sau sinh. Dưới đây là những yếu tố chính ảnh hưởng đến thời gian sản dịch kết thúc:

4.1. Phương pháp sinh

  • Phụ nữ sinh thường thường có lượng sản dịch nhiều hơn và kéo dài lâu hơn so với sinh mổ. Lý do là trong ca mổ lấy thai, bác sĩ có thể chủ động hút bỏ một phần máu và mô còn sót lại trong tử cung, giúp làm sạch buồng tử cung tốt hơn.
  • Ngoài ra, việc cho con bú trực tiếp sau sinh sẽ kích thích cơ thể mẹ tiết hormone oxytocin – hormone này giúp tử cung co bóp hiệu quả hơn, từ đó đẩy sản dịch ra ngoài nhanh chóng và rút ngắn thời gian hậu sản.

4.2. Tình trạng sức khỏe tổng thể của mẹ

  • Mẹ có sức khỏe tốt, không thiếu máu, không mắc bệnh lý nền và có thể trạng phục hồi tốt sẽ giúp quá trình co hồi tử cung diễn ra thuận lợi. Nhờ đó, sản dịch cũng được đào thải nhanh và ít hơn.
  • Ngược lại, những mẹ có sức đề kháng yếu, mất máu nhiều trong lúc sinh hoặc mắc bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp… có thể khiến thời gian ra sản dịch kéo dài hơn bình thường.

4.3. Tình trạng thai kỳ

Một số yếu tố trong thai kỳ như: mang đa thai, thai lớn hoặc lượng nước ối nhiều sẽ làm tử cung bị giãn rộng hơn. Sau sinh, tử cung cần nhiều thời gian hơn để co hồi về trạng thái ban đầu, điều này cũng đồng nghĩa với việc quá trình đào thải sản dịch có thể lâu hơn.

4.4. Chế độ chăm sóc sau sinh

Cách mẹ chăm sóc bản thân sau sinh có ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi và khả năng tống xuất sản dịch. Những mẹ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng đúng thời điểm, nghỉ ngơi hợp lý, giữ vệ sinh sạch sẽ thường sẽ có quá trình hậu sản diễn ra thuận lợi, tử cung co hồi tốt và sản dịch nhanh hết hơn những mẹ thiếu chăm sóc hoặc kiêng cữ sai cách.

5. Cách giúp sản dịch nhanh hết sau sinh mổ

Sau sinh mổ, việc đẩy sản dịch ra ngoài thuận lợi sẽ giúp mẹ phục hồi nhanh hơn, đồng thời hạn chế nguy cơ viêm nhiễm hậu sản. Dưới đây là những cách đơn giản, hiệu quả mà mẹ có thể áp dụng để hỗ trợ quá trình này:

5.1. Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Vệ sinh vùng kín đúng cách không chỉ giúp phòng ngừa viêm nhiễm mà còn hỗ trợ sản dịch thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Mẹ nên:

  • Rửa vùng kín mỗi ngày bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, có độ pH phù hợp.
  • Tránh dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh gây kích ứng.
  • Vệ sinh sạch sau mỗi lần đi vệ sinh, lau từ trước ra sau để hạn chế vi khuẩn xâm nhập.
  • Sử dụng băng vệ sinh chuyên dụng trong giai đoạn hậu sản và thay băng thường xuyên, tối thiểu mỗi 4 tiếng/lần.
  • Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi thay băng để phòng tránh nhiễm khuẩn.

5.2. Ăn uống đầy đủ và khoa học

Chế độ ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng sẽ giúp mẹ nhanh hồi phục và hỗ trợ quá trình đào thải sản dịch. Mẹ nên:

  • Ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Bổ sung đa dạng nhóm dưỡng chất: đạm, tinh bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Tránh kiêng khem quá mức gây thiếu hụt năng lượng, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi và tạo sữa cho bé.

5.3. Uống đủ nước

Uống đủ nước giúp duy trì tuần hoàn máu và hỗ trợ đào thải sản dịch hiệu quả hơn. Mẹ nên uống nước ấm, chia nhỏ nhiều lần trong ngày, trung bình từ 2 – 2.5 lít/ngày (bao gồm nước lọc, canh, sữa…).

5.4. Vận động nhẹ nhàng

Sau khoảng 1 – 2 ngày nghỉ ngơi, mẹ có thể bắt đầu các vận động nhẹ như:

  • Ngồi dậy, đi lại trong phòng hoặc quanh nhà.
  • Tăng dần thời gian và cường độ theo khả năng.
  • Vận động giúp lưu thông máu, tăng co bóp tử cung và giảm nguy cơ ứ đọng sản dịch.

5.5. Nghỉ ngơi hợp lý

Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý giúp cơ thể mẹ phục hồi tốt hơn, hỗ trợ hệ miễn dịch và quá trình đào thải sản dịch. Mẹ nên tranh thủ ngủ khi bé ngủ, tránh làm việc nặng hay thức khuya kéo dài và nhờ sự hỗ trợ của người thân để có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.

5.6. Cho con bú thường xuyên

Việc cho bé bú trực tiếp không chỉ mang lại nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé, mà còn giúp mẹ nhanh sạch sản dịch. Khi cho bú, cơ thể mẹ sẽ tiết ra oxytocin – một loại hormone có vai trò kích thích tử cung co bóp, giúp đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn.

6. Sản dịch có mùi hôi

Thông thường, sản dịch sau sinh có mùi tanh nhẹ. Tuy nhiên, nếu sản dịch bốc mùi hôi khó chịu, đặc biệt kèm theo các triệu chứng sau thì mẹ cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa:

  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao
  • Đau âm ỉ hoặc tức nặng vùng bụng dưới
  • Dịch ra nhiều, màu sắc bất thường

Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hậu sản – một biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn huyết hoặc các tình trạng nặng hơn. Do đó, trong quá trình theo dõi sản dịch, mẹ đừng chỉ chú ý đến lượng và màu sắc mà còn cần để ý mùi và các biểu hiện toàn thân đi kèm.

7. Sản dịch hết rồi lại ra

Một số mẹ sau sinh có thể gặp tình trạng sản dịch đã hết nhưng sau đó lại thấy xuất hiện trở lại, kèm theo dịch nhầy hoặc máu đỏ tươi. Trong nhiều trường hợp, đây là phản ứng bình thường của cơ thể nhưng cũng có lúc là dấu hiệu bất ổn cần lưu ý.

7.1. Dấu hiệu bình thường

  • Nếu sản dịch đã dừng rồi xuất hiện lại với số lượng ít, kèm dịch nhầy nhẹ, thường là do mẹ vận động quá sớm hoặc làm việc quá sức khiến tử cung co bóp trở lại và đẩy sản dịch còn sót ra ngoài.
  • Ngoài ra, có thể đó là dấu hiệu của kinh non (hiện tượng ra máu sớm sau sinh). Đây là dấu hiệu niêm mạc tử cung bắt đầu phục hồi và bong tróc như chu kỳ kinh nguyệt thông thường.
  • Kinh non thường xuất hiện sau khoảng 4 – 6 tuần, kéo dài từ 3 – 5 ngày, máu có màu đỏ tươi, có thể kèm ít chất nhầy. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, không đáng lo ngại nếu không có dấu hiệu bất thường đi kèm.

7.2. Dấu hiệu bất thường

Nếu mẹ thấy các biểu hiện dưới đây, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra:

  • Máu đỏ tươi ra liên tục trên 8 ngày
  • Lượng máu ra ngày càng nhiều
  • Có mùi hôi, kèm sốt, đau bụng dưới hoặc cảm giác mệt mỏi, chóng mặt
  • Sản dịch ra nhiều sau khi đã dứt hơn 1 tuần

Những dấu hiệu này có thể liên quan đến viêm nhiễm hậu sản, bế sản dịch hoặc rối loạn nội tiết, cần được xử lý sớm để tránh biến chứng.

8. Làm sao biết hết sản dịch?

Mẹ có thể xác định mình đã hết sản dịch nếu:

  • Không còn thấy dịch tiết xuất hiện trên băng vệ sinh, miếng lót hàng ngày trong vòng 24 – 48 giờ.
  • Vùng kín khô ráo, không xuất hiện mùi tanh hay khó chịu.
  • Không có cảm giác căng tức bụng dưới hay co bóp tử cung.

9. Sản dịch ra cục máu đông to

Hiện tượng sản dịch có lẫn máu đông là điều khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh, nhất là trong vài ngày đầu. Những cục máu này thường hình thành khi máu từ tử cung chưa kịp thoát ra ngoài ngay lập tức, bị ứ lại và kết dính thành khối, thường có màu đỏ sẫm, mềm như thạch.

9.1. Dấu hiệu bình thường

  • Cục máu đông có kích thước nhỏ (tương đương hoặc nhỏ hơn đồng xu)
  • Chỉ xuất hiện lác đác trong vài ngày đầu sau sinh
  • Không kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, sốt hay sản dịch có mùi lạ

9.2. Dấu hiệu bất thường

  • Máu đông có kích thước lớn bất thường hoặc xuất hiện nhiều lần liên tiếp
  • Lượng máu ra nhiều, đỏ tươi và kéo dài
  • Cơ thể mệt mỏi, đau bụng dữ dội, sốt cao
  • Sản dịch có mùi hôi hoặc màu sắc lạ

Nếu gặp phải những dấu hiệu này thì mẹ không nên chủ quan. Đây có thể là biểu hiện của một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng hậu sản
  • Sản dịch bị ứ đọng trong tử cung (bế sản dịch)
  • Rối loạn đông máu
  • Hiếm gặp hơn, là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu – tình trạng máu đông trong tĩnh mạch không thoát được ra ngoài, có nguy cơ gây thuyên tắc phổi nếu không điều trị kịp thời.

Trong một số trường hợp, nếu kèm theo khối cứng kéo dài, bác sĩ có thể kiểm tra để loại trừ các nguyên nhân khác như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng hoặc các bất thường tại vùng chậu.

10. Khi nào mẹ cần đi khám bác sĩ?

  • Sản dịch có mùi hôi nồng, khó chịu, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn hậu sản.
  • Lượng máu chảy ra ngày càng nhiều, không có xu hướng giảm sau 4 – 5 ngày đầu.
  • Máu đỏ tươi tiếp tục xuất hiện sau ngày thứ 5 sau sinh, thay vì chuyển dần sang màu hồng, vàng nhạt hoặc trắng.
  • Xuất hiện nhiều cục máu đông lớn trong sản dịch.
  • Dịch có màu đen, kèm mùi hôi khi ấn vào vùng đáy tử cung.
  • Cảm giác căng cứng hoặc phát hiện khối cứng khi sờ vào vùng bụng dưới.
  • Sốt, ớn lạnh, đặc biệt kèm theo cảm giác đau bụng dưới hoặc co thắt kéo dài.
  • Thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhất là khi đứng dậy hoặc di chuyển.

Nếu mẹ có một hoặc nhiều triệu chứng trong số những biểu hiện trên, rất có thể đang gặp tình trạng bế sản dịch, viêm nhiễm tử cung hoặc rối loạn đông máu hậu sản. Đây là các biến chứng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe và cần được can thiệp y tế kịp thời.

Sản dịch không chỉ đơn thuần là hiện tượng sau sinh mà còn là chỉ báo cho sức khỏe tử cung và quá trình hồi phục của mẹ. Theo dõi kỹ lưỡng, chú ý các dấu hiệu bất thường và chủ động đi khám khi cần thiết là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong những ngày đầu đời.

Error: Contact form not found.

Error: Contact form not found.

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trốngTrở lại cửa hàng