Không chỉ ảnh hưởng đến em bé, sinh non còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sản phụ, như sót nhau thai, nhiễm khuẩn hậu sản…Vậy đâu là những yếu tố nguy cơ dẫn đến nguy cơ này? Và làm thế nào để phòng tránh tình trạng này? Hãy cùng Maru Care tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết dưới đây nhé!
1. Sinh non là gì?
- Đây là tình trạng em bé chào đời sớm hơn dự kiến. Cụ thể, mẹ bầu sinh con trong khoảng từ tuần 20 đến trước tuần 37 của thai kỳ.
- Việc hiểu rõ các nguyên nhân có thể dẫn đến dọa sinh sớm sẽ giúp mẹ bầu có biện pháp phòng tránh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
2. Các yếu tố nguy cơ gây đẻ non
Sinh non có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các yếu tố từ thai nhi, mẹ bầu và các tác động bên ngoài. Dưới đây là những nguy cơ chính dẫn đến tình trạng này:
2.1. Yếu tố từ thai nhi
- Vỡ ối sớm: Khoảng 10% xảy ra ở thai đủ tháng, nhưng lên đến 30% các trường hợp dẫn đến sinh non.
- Đa ối: Có khoảng 1/3 số ca đa ối chuyển dạ sớm.
- Nhiễm trùng ối: đây là nguyên nhân phổ biến gây kích thích chuyển dạ.
- Nhau tiền đạo, nhau bong non: làm gián đoạn quá trình cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi.
- Thiểu năng nhau, thai chậm phát triển: khi dinh dưỡng không đủ, thai nhi có nguy cơ sinh sớm.
- Mang song thai hoặc đa thai: Số lượng thai nhi càng nhiều, nguy cơ sinh non càng cao.
- Thai nhi có dị tật bẩm sinh hoặc mắc bệnh lý (bất thường nhiễm sắc thể, bệnh tự miễn, nhiễm trùng bào thai).
- Thai sau thụ tinh trong ống nghiệm: có nguy cơ sinh sớm cao hơn so với thụ thai tự nhiên.
> Xem thêm: Bật mí thực đơn cho bà bầu đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong 3 tháng đầu thai kỳ
2.2. Yếu tố từ mẹ bầu
- Tiền sử sinh non: nguy cơ tái diễn lên đến 25 – 50%, tỷ lệ này càng cao nếu mẹ có tiền sử càng nhiều.
- Từng nạo hút thai, sảy thai trước đó.
- Bất thường tử cung như: tử cung hai sừng, tử cung hình tim, tử cung có vách ngăn…
- Tử cung kém phát triển, cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, tiền sử khoét chóp cổ tử cung.
- Mắc các bệnh lý nội khoa: thiếu máu, cao huyết áp, bệnh tim, nhiễm trùng tiết niệu, viêm nha chu, sốt rét…
- U xơ tử cung: có thể làm giảm không gian phát triển của thai nhi.
- Viêm ruột thừa khi mang thai: gây kích thích tử cung co bóp, dẫn đến sinh non.
2.3. Các yếu tố khác
- Làm việc quá sức, lao động nặng nhọc.
- Sống trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với chất độc hại.
- Dinh dưỡng kém: mẹ bầu nhẹ cân (< 40kg) có nguy cơ cao.
- Tuổi mang thai không phù hợp: dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi có tỷ lệ sinh non cao hơn.
- Hút thuốc lá (> 20 điếu/ngày) hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc.
- Quan hệ tình dục quá thường xuyên có thể kích thích tử cung co bóp.
- Không được chăm sóc thai kỳ đầy đủ: không phát hiện sớm nguy cơ sinh sớm.
- Căng thẳng, stress kéo dài: ảnh hưởng đến nội tiết tố, dễ gây co thắt tử cung.
- Tiền sản giật, sản giật, hội chứng HELLP: những biến chứng thai kỳ nghiêm trọng có thể dẫn đến sinh non.
3. Phân loại mức độ sinh non
Sinh khi chưa đủ tháng được phân loại dựa trên tuổi thai khi em bé chào đời. Thông thường, có bốn mức độ như sau:
- Cực non: Trẻ sinh trước 28 tuần thai.
- Rất non: Trẻ sinh từ 28 – 31 tuần 6 ngày.
- Non trung bình: Trẻ sinh từ 32 – 33 tuần 6 ngày.
- Non muộn: Trẻ sinh từ 34 – 36 tuần 6 ngày.
- Phần lớn trẻ sinh non ở mức độ trung bình và muộn (chiếm khoảng 80%) có tuổi thai từ 32 – 37 tuần và cân nặng từ 1.500g – 2.500g.Tuy nhiên, các bé vẫn có nguy cơ tử vong cao nếu không được chăm sóc đúng cách, đặc biệt là trong việc giữ ấm, nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và phòng chống nhiễm khuẩn.
- Ở những nước có thu nhập thấp, khoảng 10 – 13% trẻ sinh ra trong khoảng 28 – 32 tuần tuổi thai, trong đó hơn một nửa không qua khỏi do thiếu sự chăm sóc y tế chuyên sâu.
4. Dấu hiệu sinh non
Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời:
- Đau lưng âm ỉ, kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
- Cảm giác em bé tụt xuống thấp hoặc có áp lực đè nặng vùng chậu.
- Sưng phù bất thường ở tay, chân hoặc mặt.
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài, không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn thị giác, mờ mắt hoặc nhìn thấy các đốm sáng.
- Đau quặn bụng, giống như đau bụng kinh nhưng có xu hướng tăng dần.
- Giảm hoặc mất cử động thai, em bé ít đạp hơn so với bình thường.
- Ra dịch bất thường ở âm đạo, có thể là dịch lỏng, nhầy hoặc máu.
- Những dấu hiệu trên có thể là cảnh báo sớm của tình trạng sinh non. Vì vậy, mẹ bầu không nên chủ quan mà cần theo dõi sát sao và thăm khám kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
5. Em bé sinh non trông như thế nào?
Trẻ sinh thiếu tháng thường có vóc dáng rất nhỏ, thậm chí có thể nằm gọn trong lòng bàn tay và trông khá yếu ớt. Một số đặc điểm thường thấy ở trẻ sinh non bao gồm:
- Làn da: chưa phát triển đầy đủ, có thể mỏng, bóng, khô hoặc bong tróc. Do chưa tích lũy đủ lớp mỡ dưới da, bé khó tự giữ ấm cơ thể.
- Đôi mắt: Nếu sinh quá sớm, mí mắt bé có thể chưa mở được. Thông thường, trẻ sinh sau 30 tuần mới có thể mở mắt và nhìn xung quanh.
- Hệ cơ quan chưa hoàn thiện: Bé có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh thân nhiệt, nhịp thở và nhịp tim. Một số trẻ sinh sớm có thể co giật, cơ thể cứng hoặc mềm nhũn, và khó duy trì trạng thái tỉnh táo.
- Tóc và lông: Trẻ sinh non thường có ít tóc trên đầu, nhưng lại có nhiều lông tơ mềm trên cơ thể.
- Bộ phận sinh dục: Có thể nhỏ hơn bình thường và chưa phát triển hoàn chỉnh.
6. Bảng cân nặng chuẩn của trẻ sinh non
Bảng sau đây thể hiện các chỉ số trung bình về cân nặng, chiều dài và chu vi vòng đầu của trẻ theo từng độ tuổi thai và giới tính:
Tuổi thai | Bé trai | Bé gái | ||
Cân nặng (kg) | Chiều dài (cm) | Cân nặng (kg) | Chiều dài (cm) | |
40 tuần | 3.6 | 51 | 3.4 | 51 |
35 tuần | 2.5 | 46 | 2.4 | 45 |
32 tuần | 1.8 | 42 | 1.7 | 42 |
28 tuần | 1.1 | 36.5 | 1.0 | 36 |
24 tuần | 0.65 | 31 | 0.6 | 32 |
7. Cách giữ thai khi có dấu hiệu sinh non
- Nếu mẹ bầu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn kịp thời. Không nên chủ quan, vì tình trạng này có thể tiến triển nhanh chóng dẫn đến sinh khi thai chưa đủ trưởng thành.
- Trong thời gian chờ đợi sự hỗ trợ y tế, mẹ bầu nên:
- Nghỉ ngơi,nằm nghiêng sang trái, hạn chế vận động và di chuyển mạnh.
- Bổ sung đủ nước giúp cơ thể tránh mất nước và có thể làm giảm các cơn co thắt.
- Duy trì tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng để hạn chế kích thích tử cung co bóp.
8. Sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn
- Tỷ lệ sống sót của trẻ sinh thiếu tháng phụ thuộc vào tuổi thai, cân nặng khi sinh, giới tính, số lượng thai (đơn hay đa thai) và khả năng chăm sóc y tế tại trung tâm điều trị.
- Theo Viện Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Hoa Kỳ (NICHD):
+ Dưới 24 tuần tuổi: Tỷ lệ sống rất thấp. Trẻ sinh ở 22 tuần chỉ có 6% cơ hội sống sót, 23 tuần là 26%. Ngay cả khi sống được, nguy cơ tổn thương não từ trung bình đến nặng lên đến 69%.
+ Từ 24 tuần trở lên: Tỷ lệ sống sót tăng đáng kể. Ở 26 tuần, trẻ có khoảng 78% cơ hội sống, nhưng vẫn có nguy cơ cao về hô hấp, thị lực, thính lực và chậm phát triển.
+ Sau 28 tuần: trẻ sinh non sau ở thời gian này có cơ hội sống đạt 80-90%, tuy nhiên vẫn có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng, huyết học và tiêu hóa.
+ Từ 30-32 tuần: Tỷ lệ sống lên đến 95%, các biến chứng dài hạn giảm đáng kể.
+ Từ 34-36 tuần: Nguy cơ tử vong rất thấp (2,8-7,1/1000 trẻ sinh sống). Trẻ có khả năng phát triển bình thường, nhưng vẫn có thể gặp khó khăn về ăn uống, vàng da, hô hấp.
- Ngoài tuổi thai, cân nặng cũng đóng vai trò quan trọng. Trẻ trên 1.000g có cơ hội sống lên đến 90%. Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe của mẹ, yếu tố di truyền, các bệnh lý đi kèm (tim mạch, huyết áp cao…) và biến chứng khi sinh cũng ảnh hưởng đến khả năng sống sót của trẻ.
9. Phòng tránh sinh non
Việc phòng ngừa tình trạng này là một thách thức do có nhiều nguyên nhân khác nhau, một số trong đó chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể thực hiện các biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ và cải thiện sức khỏe thai kỳ.
9.1. Trước khi mang thai
- Trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, hạn chế can thiệp vào tử cung không cần thiết.
- Tránh mang thai quá nhiều lần hoặc khoảng cách giữa các lần sinh quá gần.
- Hạn chế công việc phải di chuyển nhiều khi mang thai.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe tổng thể.
9.2. Khi mang thai
- Không hút thuốc lá, tránh xa môi trường ô nhiễm.
- Bổ sung dinh dưỡng, vitamin cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái.
- Khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe mẹ và bé.
- Đối với mẹ bầu có nguy cơ sinh non trước 34 tuần:
- Sử dụng Corticoid trước sinh theo chỉ định của bác sĩ để kích thích phổi thai nhi sản xuất Surfactant – một chất giúp phổi hoạt động hiệu quả, ngăn ngừa xẹp phế nang.
- Nếu vỡ ối, cần sử dụng kháng sinh dự phòng và chuyển lên bệnh viện có đơn vị hồi sức sơ sinh tốt để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
10. Ăn gì để tránh sinh non
- Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh sinh non. Mẹ bầu nên xây dựng thực đơn khoa học, cân đối các nhóm thực phẩm để duy trì sức khỏe tốt và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
- Những thực phẩm nên bổ sung:
+ Trái cây & rau củ: cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp tăng cường miễn dịch, giảm viêm nhiễm.
+ Ngũ cốc nguyên hạt: chứa nhiều chất xơ, giúp kiểm soát đường huyết và duy trì năng lượng ổn định.
+ Thịt nạc & cá: bổ sung protein và sắt, hỗ trợ quá trình tạo máu và phát triển của thai nhi.
+ Sữa & các sản phẩm từ sữa: bổ sung canxi, hỗ trợ sự phát triển của xương và răng.
+ Thực phẩm giàu axit folic: đậu lăng, rau lá xanh, bơ, cam… giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh và giảm nguy cơ sinh non.
- Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, mẹ bầu cũng nên duy trì cân nặng trong mức tiêu chuẩn, vận động nhẹ nhàng (nếu bác sĩ cho phép) để tăng cường sức khỏe tổng thể.
11. Thuốc phòng tránh sinh non
- Atosiban là một loại thuốc giúp ngăn chặn cơn co tử cung sớm, được sử dụng để trì hoãn sinh sớm ở phụ nữ mang thai có nguy cơ. Đây là một chất ức chế hormone oxytocin và vasopressin, giúp giãn tử cung, giảm co bóp và kéo dài thời gian mang thai.
- Chỉ định sử dụng Atosiban: Thuốc được dùng trong các trường hợp sau:
+ Cơn co tử cung đều đặn (≥ 4 cơn/30 phút, mỗi cơn ≥ 30 giây).
+ Cổ tử cung giãn từ 1 – 3 cm (0 – 3 cm với phụ nữ chưa sinh).
+ Cổ tử cung xóa ≥ 50%.
+ Tuổi thai từ 24 – 33 tuần.
+ Nhịp tim thai bình thường.
+ Sản phụ từ 18 tuổi trở lên.
- Chống chỉ định sử dụng Atosiban: Không được sử dụng Atosiban nếu gặp một trong các trường hợp sau:
+ Tuổi thai dưới 24 tuần hoặc trên 33 tuần.
+ Ối vỡ sớm trên 30 tuần.
+ Nhịp tim thai bất thường.
+ Xuất huyết tử cung cần sinh ngay.
+ Sản giật, tiền sản giật nghiêm trọng.
+ Thai chết lưu hoặc nghi ngờ nhiễm trùng tử cung.
+ Rau tiền đạo, rau bong non.
+ Bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi khiến việc kéo dài thai kỳ trở nên nguy hiểm.
- Hiệu quả và ưu điểm của Atosiban:
+ Làm chậm quá trình chuyển dạ sinh non trong 7 ngày, giúp thai nhi có thêm thời gian phát triển trong bụng mẹ.
+ Ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc chống sinh sớm khác.
+ Được Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoàng Gia Anh (RCOG) khuyến cáo sử dụng.
+ Là lựa chọn phù hợp cho các trường hợp mẹ bầu mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc mang đa thai (trong khi Nifedipine – một thuốc chống sinh non khác – bị chống chỉ định trong các trường hợp này).
- Lưu ý khi sử dụng Atosiban:
+ Chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ sản khoa.
+ Phụ nữ đang cho con bú cần ngừng cho bú trong thời gian sử dụng thuốc, vì oxytocin tiết ra khi cho con bú có thể làm tăng co bóp tử cung.
+ Một lượng nhỏ thuốc có thể truyền qua sữa mẹ, tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
+ Nếu có triệu chứng bất thường khi sử dụng thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp
12. Sinh non 22 tuần có nuôi được không
Trẻ sớm ở tuần 22 có tỷ lệ sống sót rất thấp, nhưng trong một số trường hợp, nếu được chăm sóc chuyên sâu và điều kiện y tế tiên tiến, trẻ vẫn có thể được cứu sống.
13. Trẻ sinh non 32 tuần nằm viện bao lâu
- Thời gian nằm viện của trẻ sinh sớm 32 tuần phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng tự thích nghi với môi trường bên ngoài.
- Thông thường, trẻ sẽ cần được chăm sóc tại đơn vị hồi sức sơ sinh từ vài ngày đến vài tuần, trung bình khoảng 2 – 4 tuần, cho đến khi đủ khả năng bú, tự thở ổn định và duy trì nhiệt độ cơ thể.
Dấu hiệu sinh non có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, vì vậy mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến những thay đổi của cơ thể trong thai kỳ. Hy vọng rằng qua bài viết này, mẹ đã có thêm kiến thức để nhận biết và phòng tránh nguy cơ sinh khi thai nhi chưa đủ tháng, giúp thai kỳ diễn ra an toàn và suôn sẻ.