Tăng cân là điều tất yếu trong quá trình mang thai, tuy nhiên, bà bầu tăng cân quá nhanh lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Bài viết dưới đây của Maru Care sẽ phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp kiểm soát cân nặng một cách hợp lý và an toàn trong suốt thai kỳ.
1. Nguyên nhân mẹ bầu tăng cân nhanh
- Tình trạng bà bầu tăng cân quá nhanh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, đường và tinh bột có thể dễ dẫn đến thừa năng lượng.
- Thói quen ăn vặt thường xuyên, đặc biệt vào buổi tối, càng làm mẹ bầu tăng lượng calo nạp vào cơ thể, gây ra tình trạng tăng cân mất kiểm soát.
- Bên cạnh đó, nhiều mẹ bầu vì lo ngại ảnh hưởng đến thai nhi mà hạn chế vận động, ngồi nhiều và ít đi lại, từ đó làm giảm quá trình trao đổi chất và đốt cháy năng lượng, dẫn đến tích tụ mỡ thừa nhanh chóng. Trong khi đó, các hình thức vận động nhẹ như: đi bộ, yoga bầu lại rất hữu ích trong việc kiểm soát cân nặng.
- Trong giai đoạn thai kỳ, sự gia tăng các hormone như: estrogen và progesterone có thể khiến cơ thể giữ nước và mỡ nhiều hơn.
- Một yếu tố khác thường bị bỏ qua là việc sử dụng sữa bầu không hợp lý. Nhiều loại sữa bầu chứa lượng đường cao, nếu tiêu thụ quá mức mà không cân đối với tổng năng lượng hàng ngày, có thể khiến mẹ bầu tăng cân nhanh chóng.
- Phụ nữ đã có tiền sử thừa cân hoặc béo phì thường có nguy cơ tăng cân nhiều hơn trong thai kỳ so với những người có cân nặng bình thường.
2. Thai nhi và nước ối nặng bao nhiêu?
Việc tăng cân ở phụ nữ mang thai là điều bình thường và cần thiết, phản ánh sự phát triển của thai nhi cũng như các thay đổi sinh lý trong cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, mức tăng cân lý tưởng không hoàn toàn giống nhau với mỗi người, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu bà bầu tăng cân quá nhanh, điều này có thể gây ra những vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Cụ thể:
- Trọng lượng thai nhi: khoảng 3 – 4 kg
- Nhau thai: khoảng 0.5 – 1 kg
- Nước ối: khoảng 1 – 2 kg
- Tăng thể tích máu: khoảng 1 – 2 kg
- Phát triển mô vú: khoảng 0.5 – 1 kg
- Tăng kích thước tử cung: khoảng 0.5 – 1 kg
- Mỡ dự trữ: khoảng 2 – 3 kg
Như vậy, tổng mức tăng cân hợp lý trong thai kỳ có thể dao động từ 9 – 13 kg tùy cơ địa và tình trạng sức khỏe ban đầu của mẹ bầu.
3. Bảng tăng cân nặng chuẩn của mẹ bầu
Việc tăng cân không diễn ra đồng đều mà sẽ có sự khác biệt rõ rệt giữa ba tam cá nguyệt. Nắm được mức tăng cân phù hợp trong từng giai đoạn sẽ giúp mẹ bầu theo dõi sức khỏe hiệu quả hơn.
3.1. Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu)
Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu thường phải làm quen với những thay đổi về nội tiết tố và các triệu chứng ốm nghén, mệt mỏi. Do đó, nhiều mẹ có thể không tăng cân hoặc chỉ tăng nhẹ. Theo khuyến nghị, mức tăng cân lý tưởng trong 3 tháng đầu là từ 1 đến 1,5 kg.
3.2. Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa)
Khi bước sang giai đoạn này, các triệu chứng ốm nghén thường giảm dần, cảm giác ăn uống cải thiện rõ rệt, đồng thời thai nhi bắt đầu phát triển nhanh hơn. Lúc này, cơ thể mẹ bầu đã dần thích nghi với thai kỳ. Mức tăng cân hợp lý trong giai đoạn này là khoảng 4 đến 5 kg.Vì vậy để ngăn ngừa tình trạng bà bầu tăng cân quá nhanh, mẹ bầu nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.
3.3. Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối)
Ba tháng cuối là thời điểm mẹ bầu tăng cân nhanh nhất do thai nhi phát triển mạnh về kích thước và cân nặng. Ngoài ra, cơ thể người mẹ cũng tích trữ nhiều dưỡng chất hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Trong giai đoạn này, mẹ bầu nên tăng khoảng 5 đến 6 kg để đảm bảo thai nhi phát triển tốt và cơ thể mẹ có đủ sức khỏe.
4. Mẹ bầu tăng cân nhanh nhất vào tháng thứ mấy?
- Trong thai kỳ, phụ nữ thường tăng cân mạnh mẽ nhất ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Đây là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh cả về kích thước và cân nặng, đồng thời nhu cầu dinh dưỡng của mẹ cũng tăng cao để đáp ứng cho cả hai cơ thể.
- Khác với 3 tháng đầu, khi mẹ bầu thường gặp phải các triệu chứng ốm nghén khiến việc ăn uống trở nên khó khăn, từ tháng thứ 4 trở đi, cảm giác buồn nôn giảm dần, khẩu vị được cải thiện và quá trình hấp thu dưỡng chất diễn ra hiệu quả hơn. Chính vì vậy, tháng thứ 5 đến tháng thứ 8 thường là khoảng thời gian mẹ bầu tăng cân rõ rệt nhất, và nếu không kiểm soát hợp lý, bà bầu tăng cân quá nhanh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
5. Bầu 4 tháng tăng bao nhiêu kg là vừa?
- Bước sang tháng thứ 4, mẹ bầu bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn do các triệu chứng ốm nghén giảm dần. Đây cũng là thời điểm cơ thể mẹ bắt đầu tăng cân đều đặn hơn.
- Theo khuyến nghị, từ tháng thứ 4 trở đi, mức tăng cân hợp lý là khoảng 1,5 đến 2kg mỗi tháng. Nếu cân nặng tăng ít hơn 1kg hoặc vượt quá 3kg trong một tháng, mẹ nên chủ động thăm khám để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Việc tăng cân quá ít có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tăng quá nhiều lại tiềm ẩn nguy cơ mắc các vấn đề như: tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp hoặc sinh non.
6. Những nguy cơ tiềm ẩn của việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ
Việc ăn uống thoải mái khi mang thai là điều dễ hiểu, nhưng nếu bà bầu tăng cân quá nhanh, cơ thể mẹ và thai nhi có thể đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.
6.1. Gia tăng triệu chứng khó chịu trong thai kỳ
Tăng cân quá mức làm tăng áp lực lên hệ xương khớp và tuần hoàn, khiến mẹ dễ bị đau lưng, chuột rút, giãn tĩnh mạch, ợ nóng và mệt mỏi kéo dài. Việc cơ thể phải “gồng gánh” thêm trọng lượng có thể khiến thai kỳ trở nên nặng nề và mệt mỏi hơn rất nhiều.
6.2. Nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
Thừa cân trong thai kỳ làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết và tiểu đường thai kỳ.. Dù bệnh thường biến mất sau sinh, mẹ vẫn có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2 sau này và tình trạng này có thể tái phát ở những lần mang thai tiếp theo.
6.3. Biến chứng trong quá trình sinh nở
Trọng lượng mẹ tăng quá nhiều có thể dẫn đến việc thai nhi lớn hơn mức bình thường. Em bé quá to sẽ khiến việc sinh thường trở nên khó khăn, tăng khả năng phải sinh mổ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau sinh mà còn gây khó khăn trong việc cho con bú.
6.4. Khó giảm cân sau sinh
Bà bầu tăng cân quá nhanh sẽ khiến hành trình lấy lại vóc dáng sau sinh trở nên gian nan. Mặc dù một phần trọng lượng sẽ giảm ngay sau khi sinh, phần mỡ tích tụ thường cần nhiều tháng, thậm chí cả năm để loại bỏ. Nếu không kiểm soát tốt, mẹ có thể đối mặt với nguy cơ béo phì và các bệnh lý liên quan như huyết áp cao, đái tháo đường, tim mạch trong tương lai.
> Xem thêm: 6 cách giữ dáng khi mang thai mà không ảnh hưởng đến bé
6.5. Ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con
Tình trạng bà bầu tăng cân quá mức cũng khiến em bé có nguy cơ cao bị thừa cân ngay từ khi sinh ra. Nghiên cứu cho thấy những trẻ này có khả năng mắc béo phì, tiểu đường và các bệnh lý chuyển hóa cao hơn khi lớn lên.
7. Mẹ bầu tăng cân quá nhanh phải làm sao
7.1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát cân nặng khi mang thai. Thay vì ăn “cho hai người”, mẹ hãy tập trung ăn uống đủ chất và đúng cách, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản để tránh tình trạng bà bầu tăng cân quá nhanh:
- Nhóm tinh bột: Gạo, mì, khoai, ngô…
- Nhóm đạm: Thịt, cá, trứng, đậu, hải sản…
- Nhóm chất béo lành mạnh: Dầu thực vật, dầu ô liu, hạt vừng, lạc…
- Nhóm vitamin – khoáng chất – chất xơ: Rau xanh, trái cây chín…
- Ngoài ra, một số vi chất quan trọng mà mẹ nên chú trọng bổ sung:
- Canxi: Giúp phát triển hệ xương, có trong sữa, trứng, phô mai, sữa chua.
- Acid folic: Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, có nhiều trong rau xanh đậm, súp lơ, gan, đậu…
- Sắt: Hỗ trợ tạo máu, có trong thịt bò, gan, trứng, các loại đậu.
- Omega-3: Quan trọng cho não bộ của thai nhi, có trong cá hồi, cá thu, dầu hạt lanh…
- Kẽm: Giúp thai nhi phát triển cân đối, có trong hải sản, thịt gia cầm, ngũ cốc.
- Iốt: Cần thiết cho sự phát triển trí não, nên bổ sung qua muối iốt và hải sản.
> Xem thêm: Ăn gì để vào con không vào mẹ? Phải làm gì khi tăng cân quá nhanh trong thai kỳ?
7.2. Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh
Bên cạnh ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ cũng giúp kiểm soát tình trạng bà bầu tăng cân quá nhanh hơn:
- Làm việc vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt từ tam cá nguyệt thứ ba trở đi.
- Hạn chế các công việc nguy hiểm, không làm việc nặng, tránh ngâm mình lâu trong nước.
- Vận động nhẹ nhàng mỗi ngày bằng cách đi bộ, tập yoga bầu hoặc làm việc nhà vừa phải.
- Đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, kèm theo giấc ngủ trưa ngắn để tái tạo năng lượng.
- Duy trì tinh thần thoải mái, tránh stress.
- Tránh đi xa nếu không cần thiết, khi ra ngoài nên có người đi cùng.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói thuốc và bụi mịn.
8. Top 5 loại thực phẩm khiến bà bầu tăng cân quá nhanh
8.1. Nước dừa
- Nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng như: kali, magiê và các khoáng chất khác. Nó giúp cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, đầy bụng. Tuy nhiên, trong nước dừa có một lượng đường đáng kể (khoảng 40g glucid trong 1 lít).
- Nếu uống quá nhiều, mẹ bầu có thể tiêu thụ quá nhiều năng lượng, dẫn đến tăng cân nhanh chóng. Mẹ bầu chỉ nên uống tối đa từ 2-3 trái nước dừa mỗi tuần.
8.2. Mía
Mía chứa đến 70% là đường, nếu ăn quá nhiều, bà bầu tăng cân quá nhanh và dễ mắc tiểu đường thai kỳ. Để kiểm soát cân nặng, bà bầu nên hạn chế ăn mía và tránh uống nước mía quá thường xuyên.
8.3. Sữa bà bầu
- Mặc dù sữa bà bầu bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho mẹ và bé, nhưng nếu uống quá nhiều sẽ khiến mẹ tăng cân quá mức. Các chuyên gia khuyên rằng nếu mẹ bầu có thể duy trì chế độ ăn uống hợp lý, không nhất thiết phải uống sữa bầu.
- Nếu lựa chọn bổ sung sữa, mẹ bầu chỉ nên uống một lượng vừa phải, không kết hợp với các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng khác để tránh làm khó tiêu hóa.
8.4. Cam
- Cam là trái cây giàu vitamin C và chất xơ, rất tốt cho bà bầu, giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa dị tật thai nhi.
- Tuy nhiên, cam cũng chứa nhiều đường tự nhiên. Nếu uống quá nhiều nước cam hoặc ăn cam mỗi ngày, mẹ bầu có thể gặp nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tăng cân nhanh chóng.
8.5. Bánh quy
- Bánh quy thường được bà bầu sử dụng như món ăn vặt để giảm cơn nghén. Tuy nhiên, bánh quy chứa nhiều đường và năng lượng, nếu ăn quá nhiều sẽ khiến bà bầu tăng cân quá nhanh và tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì hoặc tiểu đường thai kỳ.
- Thay vì ăn bánh quy, mẹ bầu có thể thay thế bằng các loại trái cây giàu vitamin và chất xơ để đảm bảo sức khỏe mà không gây tăng cân nhanh.
> Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
9. Thực đơn cho bà bầu không tăng cân
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, mẹ bầu cần chú trọng vào việc cung cấp đủ dinh dưỡng trong suốt quá trình mang thai mà không khiến cân nặng tăng quá nhanh. Dưới đây là thực đơn và chế độ ăn uống trong các giai đoạn thai kỳ:
9.1. Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ
Trong giai đoạn đầu, thai nhi đang hình thành các cơ quan quan trọng như tim, phổi và não, nên mẹ bầu cần có chế độ ăn hợp lý để cung cấp đủ dinh dưỡng. Mẹ bầu nên:
- Chế độ ăn: Ăn lượng thức ăn bình thường nhưng chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Chất dinh dưỡng cần bổ sung: Tăng cường chất đạm từ thịt, sữa, trứng, đậu và bổ sung thêm các vi chất như sắt và axit folic.
9.2. Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ
Thai nhi phát triển nhanh chóng, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu cũng cần được điều chỉnh. Để tránh bà bầu tăng cân quá nhanh, cần:
- Chế độ ăn: Tăng thêm 250 calo mỗi ngày (tương đương với 1 bát cơm).
- Chất dinh dưỡng cần bổ sung: Cung cấp đầy đủ canxi và kẽm cho sự phát triển xương của thai nhi. Bổ sung thủy hải sản, tôm, trứng và các thực phẩm chứa canxi. Mẹ bầu cần khoảng 1200mg canxi mỗi ngày, kết hợp với 6 đơn vị sữa để đảm bảo sự khỏe mạnh cho thai nhi.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Tiếp tục sử dụng các viên sắt, axit folic và các vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ.
9.3. Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ
Vào giai đoạn cuối, thai nhi phát triển nhanh chóng về cân nặng và mẹ bầu cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cả mẹ và bé đều khỏe mạnh. Mẹ bầu cần:
- Chế độ ăn: Tăng thêm khoảng 450 kcal mỗi ngày (tương đương với 2 bát cơm).
- Điều chỉnh chế độ ăn: Nếu mẹ bầu tăng cân quá nhanh, cần giảm bớt các thực phẩm nhiều chất béo và tinh bột, thay vào đó là tăng cường rau củ, quả và trái cây.
- Bổ sung dinh dưỡng: Tiếp tục bổ sung các thực phẩm giàu protein, canxi, sắt và vitamin để đảm bảo sự phát triển hoàn thiện của thai nhi.
> Xem thêm: Cẩm Nang & Chia Sẻ
Mong rằng những thông tin trong bài viết trên của Maru Care sẽ giúp mẹ bầu có thể kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng bà bầu tăng cân quá nhanh và duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình vượt cạn thuận lợi.