Việc tuân thủ các mốc khám thai giúp mẹ bầu theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn. Từ đó, có thể phát hiện sớm các nguy cơ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Vậy có những mốc khám thai nào mẹ bầu cần lưu ý? Hãy cùng Maru Care tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
1. Lợi ích của việc khám thai đúng lịch hẹn
- Khám thai định kỳ là một trong những việc làm vô cùng cần thiết đối với mọi phụ nữ mang thai. Tuân thủ lịch khám đầy đủ theo chỉ định bác sĩ giúp mẹ bầu nhận được hướng dẫn chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phù hợp cho mỗi tam cá nguyệt, giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
- Trong mỗi lần khám, mẹ bầu sẽ kiểm tra sức khỏe tổng quát và thực hiện những xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm hình thái học… Những kiểm tra ở mỗi mốc khám thai sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
2. Tầm quan trọng của việc khám thai
Sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Mỗi ngày, tại các bệnh viện, có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra vì mẹ bầu không tuân thủ lịch khám ở các mốc khám thai hoặc thiếu thông tin kịp thời:
- Mang thai ngoài tử cung hoặc chửa trứng (thường là một dạng u lành tính phát triển trong tử cung).
- Thai nhi không có tim thai, thai lưu được phát hiện muộn gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ.
- Thiếu ối khiến thai nhi bị ngạt do không cấp cứu kịp thời.
- Phát hiện dị tật bẩm sinh như hội chứng Down hoặc các tình trạng chậm phát triển, ảnh hưởng sức khỏe và tương lai của bé.
Phần lớn các rủi ro này đều có thể giảm thiểu nếu mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai đầy đủ. Bởi vậy, mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe đều đặn và thực hiện đi khám tại các mốc khám thai quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và con yêu, ngăn ngừa tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
3. Tổng hợp 8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ
3.1. Tuần thứ 5 – 8
Khám thai lần đầu tiên thường diễn ra khi mẹ bầu ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 của thai kỳ. Ở lần khám này, bác sĩ sẽ tiến hành một số đánh giá quan trọng, bao gồm:
- Đo chiều cao, cân nặng và tính BMI để đánh giá tình trạng cân nặng của mẹ. Nếu phát hiện thừa cân hoặc béo phì, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn kiểm soát cân nặng nhằm giảm thiểu các nguy cơ biến chứng trong thai kỳ.
- Trong trường hợp túi thai chưa rõ hoặc có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hormone bHcg để xác định tình trạng thai nhi.
- Tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa trên ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
- Kiểm tra các bệnh lý như sởi, thủy đậu, viêm gan B, giang mai, HIV/AIDS, yếu tố Rh, nhóm máu và đánh giá tình trạng thiếu máu ở mỗi mốc khám thai.
- Ngoài ra, bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cách bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết, hướng dẫn lối sống lành mạnh. Đặc biệt, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ sảy thai để có biện pháp phòng ngừa thích hợp.
3.2. Tuần 8 – 10
- Trong trường hợp lần khám đầu tiên chưa xác định được phôi thai hoặc chưa nghe được tim thai, mẹ bầu sẽ được hẹn lịch khám lại vào khoảng tuần 8 – 10.
- Tại lần khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện hơn, đặc biệt là tình trạng phát triển của phôi thai và siêu âm để xác định nhịp tim thai.
3.3. Tuần 11 – 13
Đây là một mốc khám thai quan trọng, giúp tầm soát các dị tật bẩm sinh của thai nhi do bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edward, Patau và một số bất thường về hình thái khác.
3.4. Tuần 16-18
- Mẹ bầu sẽ được kiểm tra các chỉ số như huyết áp và cân nặng để đảm bảo sức khỏe.
- Theo dõi sự phát triển của thai nhi qua việc đo kích thước và lắng nghe tim thai.
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nguy cơ các bệnh lý.
- Thực hiện Triple test nếu chưa thực hiện sàng lọc trước đó, giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh.
- Đặc biệt, tại mốc khám thai này, bác sĩ sẽ khám hội chẩn tiền sản nếu có dấu hiệu bất thường sau khi siêu âm.
3.5. Tuần 20-24
- Siêu âm 4D giúp kiểm tra hình thái thai nhi, phát hiện sớm các bất thường như sứt môi, hở hàm ếch, và các dị dạng cơ quan.
- Đo chiều dài cổ tử cung để phát hiện dấu hiệu sinh non, nếu có bất thường có thể chọc ối để kiểm tra chính xác.
- Tiêm vaccine uốn ván mũi đầu tiên cho mẹ bầu.
3.6. Tuần 24-28
- Bác sĩ đánh giá sự phát triển của thai nhi và thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose để phát hiện tiểu đường thai kỳ.
- Siêu âm 4D để tầm soát các vấn đề hoặc nguy cơ bất thường ở tim, chân tay, xương, não, thận và cột sống của thai nhi.
- Tiêm vaccine uốn ván mũi thứ 2, cách mũi đầu tiên ít nhất 30 ngày và trước khi sinh tối thiểu 1 tháng.
3.7. Tuần 28-32
- Tại mốc khám thai này, mẹ bầu sẽ được đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm nước tiểu và theo dõi tim thai cùng sự phát triển của thai nhi.
- Siêu âm Doppler màu để phát hiện sớm nguy cơ bất thường và siêu âm 4D để kiểm tra lượng nước ối, vị trí ngôi thai và các dấu hiệu bất thường khác.
3.8. Tuần 32-36 tuần
Trong lần khám này, ngoài các xét nghiệm thường quy và theo dõi sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu đếm cử động thai nhi, thực hiện xét nghiệm non-stress test để đánh giá sức khỏe và phản ứng của thai nhi.
4. Những lưu ý quan trọng khi đi khám thai định kỳ
- Khám thai đúng lịch hẹn để đảm bảo không bỏ lỡ các xét nghiệm và sàng lọc cần thiết. Mẹ bầu nên chọn một bác sĩ đồng hành suốt thai kỳ và nhớ đặt lịch khám từ sớm để được hẹn tái khám đúng thời gian dự kiến.
- Mẹ bầu nên chọn trang phục rộng rãi, thoải mái như đầm suông, đi giày bệt để dễ dàng di chuyển và thuận tiện khi thăm khám.
- Tại các mốc khám thai trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ nên uống nhiều nước và tránh đi tiểu trước khi siêu âm để bàng quang căng, giúp bác sĩ dễ quan sát. Từ tam cá nguyệt thứ hai, mẹ cần đi tiểu trước khi siêu âm để làm trống bàng quang, giúp quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi.
- Nếu có kiểm tra đường huyết, mẹ cần nhịn đói theo hướng dẫn bác sĩ; nếu siêu âm tim thai hoặc hình thái học 4D, mẹ nên ăn no. Mẹ bầu có thể mang theo bánh và sữa để ăn nhẹ trong khi chờ đợi hoặc sau xét nghiệm.
- Mẹ nên vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín, trước khi đi khám thai. Hạn chế sử dụng nước hoa có mùi quá nồng. Đối với các tuần cuối thai kỳ, có thể dùng băng vệ sinh mỏng để giữ khô thoáng.
- Giữ tất cả hồ sơ, kết quả xét nghiệm và các lần khám trước trong một tập hồ sơ để tiện mang theo. Nếu tham gia bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm thai sản, mẹ bầu nên lấy giấy xác nhận khám thai để hưởng quyền lợi theo chế độ.
Hy vọng rằng bài viết trên của Maru Care đã giúp mẹ bầu nắm rõ được các mốc khám thai quan trọng và những lưu ý cần thiết. Để cập nhật thêm các kiến thức chăm sóc thai nhi và sức khỏe sau sinh, mẹ bầu có thể tham khảo thêm tại chuyên mục Cẩm nang & Chia sẻ.
Cảm ơn mẹ đã theo dõi bài viết!