Suy buồng trứng sớm: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và phòng ngừa

Suy buồng trứng sớm là tình trạng buồng trứng bị suy giảm chức năng trước tuổi 40, khiến quá trình rụng trứng và sản xuất hormone nữ không còn diễn ra bình thường. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản, nội tiết và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Trong những năm gần đây, vấn đề này ngày càng được chú ý nhiều hơn do có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng vô sinh ở nữ giới. Cùng Maru Care tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa suy buồng trứng sớm ngay trong bài viết dưới đây nhé!

1. Suy buồng trứng sớm là gì?

  • Suy buồng trứng sớm là tình trạng nồng độ các hormone sinh dục nữ như estrogen và progesterone giảm mạnh, gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản và nhiều khía cạnh sức khỏe khác của phụ nữ.
  • Hormone estrogen và progesterone không chỉ đóng vai trò duy trì đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa kinh nguyệt mà còn hỗ trợ quá trình thụ thai. Vì vậy, khi buồng trứng ngừng hoạt động sớm, phụ nữ có thể đối mặt với các biểu hiện của mãn kinh khi còn rất trẻ.

2. Dấu hiệu suy buồng trứng sớm

Suy buồng trứng sớm không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn kéo theo sự suy giảm chức năng ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Theo các chuyên gia, việc phát hiện sớm các triệu chứng bất thường là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ bảo toàn khả năng làm mẹ và cải thiện chất lượng sống.

Các biểu hiện thường tương tự như giai đoạn tiền mãn kinh, bao gồm:

  • Chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường, kéo dài hoặc gián đoạn.
  • Lượng máu kinh không ổn định, khi nhiều khi ít, màu sắc cũng thay đổi.
  • Thường xuyên mất ngủ hoặc thức giấc giữa đêm.
  • Cảm giác buồn nôn, chóng mặt xảy ra không rõ nguyên nhân.
  • Ham muốn tình dục giảm sút.
  • Da bắt đầu mất độ đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn sớm.
  • Ngực có dấu hiệu chảy xệ.
  • Tóc, móng tay và móng chân trở nên yếu, dễ gãy rụng.
  • Giảm trí nhớ, khó tập trung.
  • Âm đạo bị khô, lượng dịch tiết giảm, gây đau rát khi quan hệ.

3. Nguyên nhân suy buồng trứng sớm

Suy buồng trứng sớm có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, được chia thành hai nhóm chính: nguyên nhân tự phát và nguyên nhân chủ quan do tác động bên ngoài.

3.1. Nguyên nhân tự phát

  • Rối loạn kinh nguyệt kéo dài: Ở phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, sự mất cân bằng nội tiết, đặc biệt là giảm estrogen có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo, khiến buồng trứng suy giảm chức năng sớm. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến mất kinh và vô sinh.
  • Tắt kinh đột ngột: Một số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể bị tắt kinh sớm mà không rõ nguyên nhân. Đi kèm với đó là các biểu hiện tương tự giai đoạn mãn kinh như: chu kỳ kinh thưa dần, khô âm đạo, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng…

3.2. Nguyên nhân chủ quan

  • Can thiệp y tế không an toàn:

+ Việc nạo phá thai lặp đi lặp lại có thể gây tổn thương tử cung và làm rối loạn hoạt động của buồng trứng, ảnh hưởng đến chất lượng trứng và hormone sinh dục. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến viêm nhiễm, tắc vòi trứng, hoặc thậm chí phải cắt bỏ một bên buồng trứng, làm tăng nguy cơ suy buồng trứng sớm.

+ Các can thiệp khác như: phẫu thuật cắt buồng trứng (một phần hoặc toàn bộ), hoặc điều trị ung thư bằng hóa trị/xạ trị cũng có thể gây tổn thương mô buồng trứng, dẫn đến mất chức năng sớm.

  • Nhiễm trùng đường sinh sản:

Việc vệ sinh vùng kín không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn, nhiễm virus như: HSV (Herpes simplex) hay virus quai bị… có thể gây viêm nhiễm buồng trứng. Nếu không được điều trị kịp thời, các tổn thương này có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng buồng trứng.

  • Thói quen sống không lành mạnh:

+ Giảm cân quá nhanh, thiếu chất béo: Estrogen là hormone được tổng hợp từ mô mỡ. Khi lượng chất béo trong cơ thể sụt giảm quá mức (do ăn kiêng, giảm cân cực đoan), estrogen bị thiếu hụt, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và nguy cơ tắt kinh.

+ Thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia: Các chất kích thích này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn tác động tiêu cực đến nồng độ hormone sinh dục, đẩy nhanh quá trình lão hóa buồng trứng.

+ Áp lực tinh thần kéo dài: Căng thẳng, lo âu, stress mãn tính có thể làm rối loạn hệ thần kinh nội tiết, ảnh hưởng đến trục dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng, từ đó làm suy giảm chức năng sinh sản.

  • Kích thích buồng trứng quá mức:

Việc sử dụng thuốc kích trứng trong hỗ trợ sinh sản có thể làm buồng trứng sản sinh quá nhiều nang noãn cùng lúc. Từ đó gây quá kích buồng trứng, ứ dịch ổ bụng hoặc thậm chí là xoắn buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động lâu dài của buồng trứng nếu không được kiểm soát đúng cách.

4. Suy buồng trứng có nguy hiểm không?

  • Suy buồng trứng sớm là một trong những nỗi lo lớn của phụ nữ hiện đại, không chỉ vì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn tác động toàn diện đến sức khỏe thể chất và nội tiết. Khi buồng trứng ngừng hoạt động sớm, nồng độ hormone nữ giảm sút có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề như: loãng xương, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch và các rối loạn chuyển hóa khác.
  • Dù vẫn có những trường hợp phụ nữ trẻ bị suy buồng trứng có thể mang thai tự nhiên nhưng tỷ lệ này khá thấp. Phần lớn người bệnh cần đến sự hỗ trợ của các kỹ thuật sinh sản hiện đại (như thụ tinh ống nghiệm, tiêm hormone, hoặc xin trứng…) để có thể làm mẹ trước khi chức năng buồng trứng suy kiệt hoàn toàn.
  • Với những phụ nữ chưa có kế hoạch sinh con hoặc đang độc thân, giải pháp trữ đông trứng đang được xem là lựa chọn phù hợp để bảo tồn khả năng làm mẹ về sau. Phương pháp này nên được thực hiện càng sớm càng tốt khi trứng còn khỏe mạnh và buồng trứng chưa bị suy giảm quá mức.

5. Phương pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán suy buồng trứng sớm đòi hỏi sự kết hợp giữa đánh giá lâm sàng và xét nghiệm nội tiết chuyên sâu. Các bác sĩ thường dựa vào những tiêu chí sau:

  • Phụ nữ dưới 40 tuổi.
  • Có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt hoặc khó mang thai.
  • Nồng độ hormone FSH (Follicle-Stimulating Hormone) tăng cao – đặc biệt khi đo vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh.
  • Nồng độ Estradiol (E2) thấp hoặc không đáp ứng với kích thích hormone.

Một số xét nghiệm quan trọng thường được chỉ định gồm:

  • Xét nghiệm nồng độ FSH: FSH là hormone do tuyến yên tiết ra, có vai trò kích thích nang trứng phát triển. Ở phụ nữ khỏe mạnh, FSH dao động tùy theo giai đoạn chu kỳ kinh. Tuy nhiên, nếu FSH đo vào ngày thứ 3 của chu kỳ vượt ngưỡng 10–15 IU/L hoặc tăng cao trên 30–40 IU/L (tùy phòng xét nghiệm), thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy buồng trứng không còn đáp ứng tốt.
  • Xét nghiệm Estradiol (E2): Estradiol là dạng estrogen chủ yếu do nang trứng tiết ra trong chu kỳ kinh. Khi buồng trứng hoạt động kém, nang trứng không phát triển, dẫn đến giảm tiết estradiol. Giá trị estradiol trong máu thấp (dưới 80 pg/mL vào ngày 3 chu kỳ) có thể củng cố thêm chẩn đoán suy buồng trứng.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra bộ nhiễm sắc thể để tìm nguyên nhân di truyền gây suy buồng trứng, đặc biệt ở các trường hợp khởi phát sớm bất thường (ví dụ ở tuổi dậy thì hoặc trước tuổi 30).

6. Biến chứng của suy buồng trứng sớm

  •  Vô sinh – hiếm muộn: Khi nguồn trứng trong buồng trứng suy giảm hoặc cạn kiệt hoàn toàn, phụ nữ sẽ mất kinh và mất khả năng thụ thai tự nhiên. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh rơi vào tình trạng vô sinh. Trong một số trường hợp hiếm, phụ nữ vẫn còn kinh nguyệt nhưng không đều vẫn có thể mang thai, tuy nhiên tỷ lệ thành công rất thấp và thường cần can thiệp y học.
  • Loãng xương: Khi buồng trứng ngừng hoạt động sớm, nồng độ estrogen giảm mạnh, làm tăng nguy cơ loãng xương. Từ đó khiến xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy.
  • Rối loạn tâm lý: Nhiều phụ nữ bị suy buồng trứng sớm dễ bị căng thẳng kéo dài, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
  • Tăng nguy cơ bệnh tim mạch: Estrogen có vai trò điều hòa chuyển hóa lipid trong cơ thể, giúp kiểm soát cholesterol và bảo vệ thành mạch máu. Khi estrogen giảm, nguy cơ xơ vữa động mạch, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu cũng tăng lên. Bên cạnh đó, estrogen còn ảnh hưởng đến fibrinogen (một yếu tố tham gia quá trình đông máu). Thiếu hụt estrogen có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não.

7. Suy buồng trứng sớm có gây vô sinh không?

Tình trạng suy buồng trứng làm giảm nghiêm trọng khả năng sinh sản, do trứng bị cạn kiệt hoặc không phát triển bình thường. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng mất hoàn toàn cơ hội làm mẹ. Một số phụ nữ vẫn có thể thụ thai tự nhiên, và các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như: IVF, xin trứng hoặc trữ trứng từ sớm.

8. Suy buồng trứng sớm có điều trị được không?

Hiện nay, chưa có phương pháp nào giúp phục hồi hoàn toàn chức năng buồng trứng. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị – đặc biệt là liệu pháp hormone thay thế (HRT) kết hợp với thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả, cải thiện chất lượng sống và hạn chế biến chứng lâu dài.

9. Bị suy buồng trứng sớm có cần dùng thuốc không?

Có. Việc điều trị bằng thuốc là rất cần thiết để ổn định nội tiết, giảm triệu chứng khó chịu như: bốc hỏa, mất ngủ, khô âm đạo và ngăn ngừa loãng xương, bệnh tim mạch. Việc dùng thuốc cần được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

10. Phòng ngừa suy buồng sớm như thế nào?

  • Giữ tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng kéo dài: Căng thẳng mạn tính ảnh hưởng trực tiếp đến hệ nội tiết, làm rối loạn trục dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và cân bằng cảm xúc mỗi ngày.
  • Ăn uống khoa học, ưu tiên thực phẩm lành mạnh:
  • Hạn chế đồ chiên xào, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt giàu omega-3.
  • Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin D, canxi, giúp duy trì mật độ xương, ngăn ngừa loãng xương sớm.
  • Tập thể dục đều đặn: Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc bơi lội giúp cân bằng hormone và cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Hạn chế các thói quen gây hại: Không hút thuốc, hạn chế rượu bia, tránh thức khuya, không lạm dụng thuốc tránh thai hay các can thiệp sinh sản khi chưa cần thiết.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt là kiểm tra nội tiết sinh sản, theo dõi chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH), chu kỳ kinh nguyệt… giúp phát hiện bất thường từ sớm và có phương án điều trị phù hợp.

> Xem thêm: Chỉ số AMH là gì? Tác động đến khả năng sinh sản của phụ nữ?

Suy buồng trứng sớm là một tình trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến thiên chức làm mẹ và sức khỏe tổng thể của người phụ nữ. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường như rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi kéo dài, hay giảm ham muốn… bạn nên chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng hướng.

Error: Contact form not found.

Error: Contact form not found.

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trốngTrở lại cửa hàng