Biến chứng thai kỳ là những vấn đề liên quan sức khỏe của mẹ và bé có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Tình trạng sức khỏe của phụ nữ trong thai kỳ có thể tạo ra nguy cơ tiềm ẩn cho các biến chứng này. Hãy cùng Maru Care tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây để biết cách phòng tránh kịp thời và bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé nhé!
1. Nguyên nhân gây ra các biến chứng thai kỳ
- Có một số nguyên nhân gây ra các biến chứng khi mang thai đã được các chuyên gia y tế ghi nhận như:
+ Tuổi của người mẹ khi mang thai dưới 17 hoặc trên 40 tuổi.
+ Làm việc trong môi trường độc hại hoặc tiếp xúc với các chất độc, tia X…
+ Lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy…
+ Tự ý dùng thuốc trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.
+ Tiền sử phẫu thuật của mẹ như mổ lấy thai, phẫu thuật u tử cung hoặc các phẫu thuật ổ bụng.
- Mang thai đôi hoặc đa thai dễ dẫn đến các biến chứng như: tiền sản giật, sinh non.
- Ngoài ra, các bệnh lý nền của mẹ cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp biến chứng sản khoa:
+ Thừa cân, béo phì: Làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, thai chết lưu, dị tật ống thần kinh và phải sinh mổ.
+ Huyết áp cao trong thai kỳ: Có thể gây hại đến thận của mẹ và tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc gặp tiền sản giật.
2. Các biến chứng thường gặp trong giai đoạn đầu của thai kỳ
2.1. Sảy thai
- Sảy thai là một trong những biến chứng thai kỳ, xảy ra khi thai bị mất trước tuần thứ 20. Tỉ lệ sảy thai chiếm khoảng 15-20% và hơn 80% các trường hợp xảy ra trước khi thai đạt 12 tuần tuổi. Phần lớn các ca sảy thai trong giai đoạn đầu thai kỳ được cho là do bất thường về nhiễm sắc thể hoặc gen.
- Dấu hiệu sớm thường gặp là ra máu âm đạo, vì vậy khi nhận thấy có máu trên đáy quần lót, mẹ nên nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa.
2.2. Thai ngoài tử cung
- Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng thụ tinh bám vào bên ngoài tử cung, thường là tại một trong các ống dẫn trứng. Do không gian hạn chế và thiếu các mô cần thiết, thai nhi không thể phát triển bình thường ở vị trí này.
- Thai ngoài tử cung là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng, có thể gây đau dữ dội, tổn thương hệ sinh sản và đe dọa tính mạng người mẹ. Khi thai phát triển, có thể xảy ra tình trạng vỡ ống dẫn trứng, dẫn đến xuất huyết nội nghiêm trọng và chấm dứt thai kỳ.
- Nguyên nhân của tình trạng này là do mô thường chỉ có trong tử cung lại phát triển ở vị trí khác hoặc sẹo ở ống dẫn trứng do các nhiễm trùng lây qua đường tình dục trước đó.
3. Các biến chứng trong giai đoạn giữa thai kỳ
3.1. Tiền sản giật
- Tiền sản giật là tình trạng tăng huyết áp và protein cao trong nước tiểu, thường xảy ra sau tuần thai thứ 20 hoặc thậm chí sau sinh.
- Triệu chứng có thể bao gồm đau đầu dữ dội, mờ mắt, đau bụng, buồn nôn, sưng mặt và tay. Trong trường hợp nghiêm trọng, biến chứng thai kỳ tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến cung cấp máu cho nhau thai, gây ra chậm phát triển, sinh non, khó thở cho bé, nhau bong non,…
3.2. Thiếu máu thai kỳ
Thiếu máu do thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh, có thể khiến mẹ mệt mỏi, yếu sức. Mẹ bầu cần bổ sung sắt và axit folic trong suốt thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
3.3. Sinh non
- Sinh non xảy ra trước tuần 37, khi các cơ quan của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, làm tăng nguy cơ các bệnh như thiếu máu, nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, và nguy cơ tử vong.
- Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này bao gồm nhiễm trùng, cổ tử cung ngắn, tiền sử sinh non hoặc phá thai, u xơ tử cung, hút thuốc lá,…
4. Biến chứng trong giai đoạn cuối thai kỳ
4.1. Tiểu đường thai kỳ
Khoảng 5% phụ nữ mang thai gặp phải tiểu đường thai kỳ, thường xuất hiện trong khoảng tuần 24-28 với biểu hiện tăng đường huyết. Biến chứng thai kỳ này có thể kiểm soát tốt bằng chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.
4.2. Ngôi thai bất thường
Thông thường, thai nhi sẽ di chuyển xuống phần dưới tử cung trong 6-8 tuần cuối thai kỳ với tư thế ngôi đầu – đầu hướng xuống, mặt hướng vào lưng mẹ. Tuy nhiên, nếu đến cuối thai kỳ thai nhi không quay đầu, mẹ có thể được chỉ định sinh mổ để giảm nguy cơ biến chứng trong quá trình sinh.
4.3. Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai nằm thấp trong tử cung, che một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung, có thể gây chảy máu và cản trở đường ra của thai nhi. Tùy vào tình trạng nhau tiền đạo mà mẹ cần phải sinh mổ.
5. Giai đoạn chuyển dạ
5.1. Băng huyết
Băng huyết xảy ra khi sản phụ mất khoảng 1 lít máu trong vòng 24 giờ sau sinh, chiếm tới 35% nguyên nhân tử vong sau sinh. Biến chứng thai kỳ từ băng huyết có thể gây suy thận, suy đa cơ quan, nhiễm trùng, viêm tắc tĩnh mạch và thiếu máu nghiêm trọng.
5.2. Thiếu hụt nước ối
Thiểu ối là tình trạng thiếu nước ối, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và bảo vệ thai nhi. Theo thống kê tại Mỹ, khoảng 8% thai phụ gặp phải vấn đề này vào giai đoạn cuối thai kỳ.
5.3. Thuyên tắc ối
Thuyên tắc ối là biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, xảy ra khi dịch ối xâm nhập vào tuần hoàn máu của mẹ, gây suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính. Mặc dù tỷ lệ gặp rất thấp (0,00125% ca sinh) nhưng nguy cơ tử vong khi thuyên tắc ối xảy ra là tới 80%.
6. Đề phòng biến chứng thai sản như thế nào?
- Khám thai định kỳ để phát hiện và can thiệp sớm các biến chứng thai kỳ.
- Thực hiện các kiểm tra, tầm soát dị tật và các bất thường thai nhi theo chỉ định bác sĩ.
- Tiêm phòng đầy đủ trước và trong thai kỳ.
- Bổ sung dưỡng chất cần thiết: canxi, sắt, vitamin,…
- Duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý.
- Chăm sóc sau sinh theo hướng dẫn bác sĩ để tránh nhiễm trùng hậu sản.
- Tránh tiếp xúc với chất kích thích, độc hại.
- Khám sức khỏe tiền sinh sản và tầm soát gen cho cha mẹ.
Biến chứng thai kỳ là nỗi lo thường trực của mẹ bầu trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, những biến chứng này đa số có thể phòng ngừa và can thiệp sớm nếu được phát hiện kịp thời. Vì thế, ba mẹ hãy thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo mẹ và bé luôn khỏe mạnh nhé! Ba mẹ đừng quên ghé thăm website của Maru Care để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!