Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng trạng nhiễm khuẩn rốn và uốn ván rốn sơ sinh. Nhưng làm thế nào để chăm sóc tại nhà mà vẫn chuẩn như ở bệnh viện? Nếu ba mẹ cũng có cùng thắc mắc trên thì nhất định đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Maru Care nhé!
1. Vì sao cần chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh?
- Dây rốn là bộ phận quan trọng kết nối thai nhi với nhau thai, giúp vận chuyển dinh dưỡng và oxy từ cơ thể mẹ để nuôi dưỡng thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Khi em bé chào đời, dây rốn không còn cần thiết, nên bác sĩ sẽ kẹp và cắt bỏ phần dây này ngay sau sinh. Phần còn lại sau khi cắt dây rốn gọi là cuống rốn.
- Quá trình cuống rốn khô và rụng tự nhiên ở trẻ sơ sinh diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe của trẻ cùng cách chăm sóc tại nhà của ba mẹ. Thông thường, cuống rốn sẽ dần chuyển sang màu nâu, xám hoặc đen và thường rụng sau khoảng 1-2 tuần, đôi khi có thể lâu hơn, kéo dài đến 3 tuần. Ba mẹ nên để cuống rốn rụng tự nhiên, tránh tự ý kéo bỏ và giữ khu vực này luôn sạch sẽ, khô ráo để ngăn ngừa nhiễm trùng.
2. Các bước vệ sinh vùng rốn của trẻ sơ sinh
2.1. Dụng cụ cần chuẩn bị
Trước khi vệ sinh rốn cho bé, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như sau:
- Que bông vô trùng
- Gạc vô trùng
- Nước muối sinh lý
2.2. Quy trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
- Bước 1: Ba mẹ hãy rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi vệ sinh rốn cho bé.
- Bước 2: Sử dụng một que bông lau từ chân rốn lên phía cuống rốn. Dùng một que bông khác lau vòng quanh vùng tiếp xúc giữa rốn và da bụng.Lấy một bông khác để lau vùng da rộng hơn xung quanh rốn. Mỗi lần sát trùng nên sử dụng que bông hoặc bông mới để đảm bảo vệ sinh.
- Bước 3: Lau khô rốn bằng bông vô khuẩn, sau đó để rốn khô thoáng và mặc quần áo thoáng mát cho trẻ. Đóng bỉm dưới rốn để tránh tình trạng phân hoặc nước tiểu tràn lên vùng rốn.
Ba mẹ hãy lặp lại quy trình trên mỗi ngày một lần cho đến khi cuống rốn của trẻ tự nhiên rụng.
3. Mẹ nên làm gì với dây rốn sau khi rụng?
Việc giữ lại hay vứt bỏ cuống rốn hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của bố mẹ. Nếu muốn lưu giữ như một kỷ vật, mẹ có thể tham khảo các ý tưởng sau:
- Làm vòng tay: Một số cửa hàng trang sức có dịch vụ tạo vòng tay từ cuống rốn rụng, giúp mẹ giữ lại kỷ niệm quý báu này.
- Giữ trong một túi nhỏ màu đỏ: Một số người tin rằng giữ lại cuống rốn trong túi đỏ có thể mang lại may mắn, cũng như là một vật lưu niệm đáng nhớ.
4. Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đúng quy trình các mẹ nên biết
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng rốn, bố mẹ có thể áp dụng những phương pháp chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như sau:
4.1. Vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh khi chưa rụng
- Việc tắm không ảnh hưởng đến rốn nếu bố mẹ chú ý giữ rốn khô, tránh tiếp xúc với nước. Nếu cuống rốn bị ướt, hãy dùng khăn mềm để thấm khô. Trong trường hợp rốn bị bẩn do bé đi tiểu, nên rửa nhẹ nhàng với nước, sau đó làm sạch lại bằng nước muối sinh lý và lau khô.
- Để cuống rốn khô ráo, nên quấn tã phía dưới rốn. Tiếp xúc với không khí giúp cuống rốn khô nhanh hơn. Khi mặc đồ cho bé, hãy đảm bảo vùng rốn không bị che kín và thoáng khí để tránh nhiễm khuẩn.
- Nếu cuống rốn chưa rụng sau vài tuần, không nên lo lắng. Hãy để cuống rốn rụng tự nhiên mà không tác động vào. Nếu xuất hiện các dấu hiệu như chảy máu hoặc tiết dịch vàng, nên đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra và nhận sự tư vấn đúng đắn.
- Gấp tã dưới rốn và tránh băng rốn: Không nên dùng gạc hoặc tã để băng rốn vì chúng dễ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm.
- Tránh sờ hoặc bôi thảo dược không sạch lên cuống rốn: Các loại thảo dược không được tiệt khuẩn có thể chứa vi khuẩn và nấm, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn rốn.
4.2. Vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh khi đã rụng
Sau khi cuống rốn rụng, mẹ sẽ thấy lỗ rốn của bé. Đôi khi, lỗ rốn có thể bị nổi mẩn đỏ, thậm chí có thể chảy máu. Mẹ không nên quá lo lắng, điều này hoàn toàn bình thường và lỗ rốn sẽ lành lại trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu kéo dài hơn hai tuần, nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra và hướng dẫn lại chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh.
5. Các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay
Nếu rốn của trẻ có bất kỳ biểu hiện nào sau đây, ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời:
- Trẻ bị sốt cao trên 38 độ C hoặc mệt, bó bú
- Rốn có dịch vàng hoặc mùi hôi hoặc xuất hiện mủ.
- Chảy máu nhiều ở rốn và khó cầm máu.
- Da xung quanh rốn bị sưng, đỏ hoặc viêm.
- Rốn xuất hiện chồi hạt và rỉ dịch trong thời gian dài.
- Rốn vẫn chưa rụng sau 3 tuần.
Những dấu hiệu này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác, vì vậy việc can thiệp y tế sớm là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bé.
Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết này của Maru Care sẽ giúp ba mẹ đã nắm được cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh một cách đúng đắn. Qua đó, nhận diện được các dấu hiệu nhiễm trùng rốn để có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Cảm ơn ba mẹ đã theo dõi bài viết!