Dị ứng nổi mề đay là một bệnh lý đang ngày càng trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, một số trường hợp còn gây sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Chính vì thế, việc hiểu rõ triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị là vô cùng quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng do căn bệnh này gây ra.
1. Bản chất nổi mề đay là gì?
- Nổi mề đay (hay còn gọi là mày đay) là tình trạng da hoặc niêm mạc xuất hiện phát ban, do sự phản ứng của các mao mạch. Đây là một bệnh lý về da phổ biến, có thể là cấp tính hoặc mãn tính, và thường không lây từ người này sang người khác.
- Biểu hiện của mề đay là những nốt mẩn đỏ, có thể hình tròn, cung, hoặc bất kỳ hình dạng nào, tạo thành các mảng nổi trên da.
- Dị ứng nổi mề đay ở trẻ có thể được phân loại thành hai dạng:
+ Mề đay cấp tính: Tình trạng này kéo dài từ 1 đến 40 ngày và có thể tự hết mà không cần can thiệp nhiều. Ba mẹ không cần quá lo lắng.
+ Mề đay mãn tính: Tình trạng này kéo dài hơn 45 ngày và có thể gây ra những khó chịu cho bé, cần được theo dõi và điều trị kịp thời.
2. Trẻ bị nổi mề đay có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng nổi mề đay mãn tính ở trẻ không được điều trị kịp thời và dứt điểm, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Nhiễm trùng da
- Suy nhược cơ thể
- Phù mạch
- Thanh quản co thắt, khó thở
- Tiêu chảy, đau bụng quặn.
- Huyết áp giảm
- Rối loạn nhịp tim
- Sốc phản vệ.
3. Triệu chứng khi trẻ bị nổi mề đay
Khi bé có các triệu chứng sau, có thể bé đã bị dị ứng nổi mề đay:
- Xuất hiện các nốt mẩn có kích thước từ nhỏ đến lớn, thường nhô cao hơn so với bề mặt da xung quanh. Chúng có thể có màu đỏ hoặc nhợt nhạt. Những nốt này có thể xuất hiện và biến mất đột ngột, thay đổi nhanh chóng.
- Bé bị ngứa, hay lấy tay bé gãi các nốt mẩn, càng gãi càng xuất hiện thêm các nốt mới.
- Bé quấy khóc, khó ngủ, đặc biệt là vào ban đêm.
- Bé mệt mỏi, biếng ăn
- Sưng to ở một số vị trí như mắt, môi hoặc vùng sinh dục,…
4. Nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng nổi mề đay
- Dị ứng
Dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị nổi mề đay. Trẻ có thể bị dị ứng với thực phẩm như trứng, sữa,… Ngoài ra, môi trường xung quanh như côn trùng, phấn hoa, lông thú cưng cũng có thể là yếu tố gây dị ứng, dẫn đến tình trạng nổi mề đay.
- Thay đổi nhiệt độ
Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, vì vậy những thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể ảnh hưởng đến da, gây nổi mề đay. Ba mẹ có thể nhận thấy rõ vào các thời điểm giao mùa.
- Nhiễm virus
Các bệnh nhiễm virus như viêm gan, cảm lạnh, hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể gây nổi mề đay ở trẻ. Nhiễm virus chiếm khoảng 40% các trường hợp nổi mề đay ở trẻ em, thường kèm theo các triệu chứng như sốt cao, đau cơ hoặc xương khớp.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
Khi trẻ mắc các bệnh như viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa, hay viêm xoang, hệ miễn dịch của trẻ có thể bị suy yếu, dẫn đến việc da dễ bị kích ứng và dị ứng nổi mề đay.
- Dị ứng thuốc
Tương tự như người lớn, một số trẻ có thể bị dị ứng thuốc khi cơ thể phản ứng với các thành phần của thuốc. Ngoài ra, các tác nhân khác như vết cắn của côn trùng hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn chưa được xác định cũng có thể gây nổi mề đay ở trẻ.
5. Cách trị nổi mề đay tại nhà
5.1. Chườm lạnh
- Khi mề đay mới xuất hiện, ba mẹ có thể dùng đá lạnh bọc trong túi vải thật sạch chườm lên vùng da nổi mẩn. Tránh dùng túi vải bẩn vì nó có thể gây nhiễm trùng thêm vùng da tổn thương.
- Cách này giúp giảm ngứa và cảm giác khó chịu, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp trị dứt điểm dị ứng nổi mề đay, ba mẹ cần kết hợp với thuốc điều trị cho con.
5.2. Gừng tươi
- Gừng có tính kháng viêm, giúp làm giảm ngứa và mẩn đỏ.
- Cách thực hiện: Cắt 50g gừng tươi, 100g đường mía, và ½ bát giấm, đun sôi rồi để nguội. Mỗi lần uống, pha hỗn hợp này với nước ấm và uống 3-4 lần/ngày.
- Mặc dù gừng thường không gây dị ứng nhưng ba mẹ vẫn cần phải chú ý khi cho con uống.
5.3. Lá khế
Lá khế được coi là một loại thảo dược quý trong các bài thuốc dân gian, đặc biệt là trong việc điều trị các bệnh về da như ghẻ lở, viêm da cơ địa, nổi mề đay và dị ứng da,…
Khi bé bị nổi mề đay, ba mẹ có thể áp dụng các cách sau:
- Cách 1: Tắm nước lá khế
Đây là phương pháp trị nổi mề đay phổ biến. Ba mẹ lấy một nắm lá khế tươi, rửa sạch, rồi đun sôi để lấy nước tắm. Thực hiện tắm bằng nước lá khế cách mỗi 2 ngày, còn lại tắm bằng nước sạch như bình thường.
- Cách 2: Đắp lá khế nóng lên da
Chọn lá khế tươi, rửa sạch và để ráo, sau đó rang nóng. Bọc lá khế trong vải mỏng rồi đắp lên vùng da bị dị ứng nổi mề đay (ba mẹ cần cẩn thận để không làm bỏng da bé). Nếu lá khế nguội, ba mẹ có thể rang lại và tiếp tục đắp.
- Cách 3: Đắp lá khế với muối tinh
Giã nát lá khế tươi, trộn với một ít muối tinh. Đắp hỗn hợp này lên vùng da bị mề đay trong khoảng 15 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.
5.4. Lá trầu không
- Lá trầu không có khả năng kháng viêm và giảm ngứa.
- Cách thực hiện: Đun nước lá trầu không với muối, dùng nước này tắm hoặc giã lá trầu không, đắp lên vùng da nổi mề đay trong 30 phút.
5.5. Lá trà xanh
- Lá trà xanh chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, giúp làm dịu da.
- Ba mẹ có thể nấu nước lá trà xanh để tắm hàng ngày để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ chữa mề đay cho bé.
Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết của Maru Care sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về bệnh dị ứng nổi mề đay ở trẻ và có những biện pháp chăm sóc, phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của bé yêu.